(HNM) – Trong phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 24-1, nhiều vấn đề “gai góc” liên quan đến thị trường bất động sản đã được đặt lên bàn nghị sự.
Ai làm thị trường bất động sản “đóng băng”? “Cục máu đông” của nền kinh tế nằm ở thị trường bất động sản, nhưng xử lý thế nào? Thậm chí có thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt nghi vấn: Chính sách giải cứu có bảo vệ “lợi ích nhóm” hay không? Có hay không những thế lực đang cố kìm giữ giá căn hộ để trông cậy vào sự giải cứu của Nhà nước?…
Ở nhiều nước trên thế giới, bất động sản được coi là ngành kinh tế chủ chốt… bởi lẽ bất động sản “sổ mũi”, nhiều ngành khác sẽ “hắt hơi”. Cuộc khủng hoảng nhà ở Mỹ năm 2006 là một ví dụ. Khi bong bóng bất động sản vỡ, hàng triệu gia đình Mỹ lâm vào cảnh bán nhà không được, tìm nguồn tiền trả nợ ngân hàng mỗi tháng không xong. Giá nhà giảm nhanh khiến các loại giấy nợ bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp do các tổ chức tài chính phát hành giảm giá theo. Nhiều tổ chức tín dụng lâm vào cảnh khốn đốn, bị tụt bậc trong xếp hạng tín nhiệm, thậm chí phải chấp nhận phá sản. Mất niềm tin ở ngân hàng, người dân đột ngột rút tiền gây hiệu ứng dây chuyền, tạo nên tình trạng khan hiếm tín dụng. Một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự đã diễn ra và lan sang nhiều nước Châu Âu. Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.
Bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng lâm nguy, điều này đã quá rõ nhưng muốn “bốc thuốc” phải “bắt được bệnh”. Ở Việt Nam thị trường bất động sản cũng là một trong những đầu kéo của nền kinh tế, là một trong những chỗ dựa cho nền tài chính. Có khác chăng so với nhiều nước phương Tây, là tư tưởng “an cư” mới “lạc nghiệp” của người Việt và với nhiều người nhà ở còn là một thứ tài sản tích lũy, là của để dành… Điều này phần nào tác động đến thị trường nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến những khuyết tật của thị trường bất động sản hiện nay. Thực ra, những lệch lạc của thị trường bất động sản Việt Nam do những bất cập trong quản lý và thói làm ăn chụp giật của giới kinh doanh địa ốc gây nên.
Có thể nói trong một thời gian dài, thị trường bất động sản Việt Nam đã bị “thả nổi”. Minh chứng rõ nhất là tình trạng cấp phép tràn lan cho các dự án bất động sản ở nhiều địa phương theo kiểu “xin” thì “cho”. Thậm chí như trường hợp có một số xã thuộc Hòa Bình (cũ) trước thời điểm sáp nhập vào Hà Nội, trong một đêm cấp phép cho mấy chục dự án. Trong khi đó việc xây thêm bệnh viện chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng thủ tục lại vô cùng khó khăn. Một thời kinh doanh bất động sản quá dễ. Nói là người người kinh doanh bất động sản, nhà nhà kinh doanh bất động sản thì có phần hơi quá, nhưng thực tế ngay cả người nông dân chân lấm tay bùn cũng có thể trở thành “cò″ đất, chỉ trỏ ăn hoa hồng. Công ty môi giới, kinh doanh bất động sản mọc lên nhan nhản, sống “trên lưng” ngân hàng, kinh doanh theo kiểu chặt chém lẫn nhau, buôn dự án… Khi dòng vốn đình trệ, lập tức nảy sinh đủ kiểu gọi vốn hợp pháp, bất hợp pháp, lừa đảo. Chưa kể tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, lách luật, trốn thuế tràn lan kéo theo những lệch lạc của thị trường, đẩy giá bất động sản, đặc biệt giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế…
Suy thoái kinh tế tràn tới, thị trường bất động sản đã bị cuốn nhanh trong vòng xoáy. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đứng trên bờ vực bởi không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Nói về “cái chết lâm sàng” của ngành bất động sản thời gian qua, một chủ doanh nghiệp thẳng thắn: Các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng, chạy theo thị trường nhưng không có thực lực, không có đồng vốn, miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật, họ bị “chết” là điều đương nhiên… Điều đáng nói là thị trường bất động sản đóng băng, các ngành sản xuất, kinh doanh liên quan như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, nội thất, cũng “chết” theo. Hệ lụy cho nền kinh tế không thể lường hết để rồi Nhà nước, hay nói chính xác hơn là người dân lại phải chìa vai ra gánh. Thực tế, đầu tàu kinh tế bất động sản đã trở thành gánh nặng của Nhà nước và người dân.
Một vấn đề nữa khi doanh nghiệp kêu ca vì giá nhà cõng trên lưng đủ thứ phí, trong đó có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng mà thật ra là mua bán đất theo giá thị trường, rồi phí sử dụng đất… thì những dự án ma, dự án bỏ hoang vẫn có ở khắp nơi. Và một điều khó lý giải là ngay tại thời điểm này, khi nhiều chủ đầu tư tung ra chương trình giảm giá “cực sốc” thì người có nhu cầu mua nhà vẫn không thể tiếp cận. Có người nhận định đây là một chiêu quảng cáo của doanh nghiệp. Còn giới “thạo nghề” nói rằng, một khi chủ đầu tư nào đó buộc phải bán thốc bán tháo để lấy tiền trả nợ ngân hàng hoặc đầu tư vào dự án khác thì lập tức có những đại gia giàu tiềm lực hơn sẵn sàng găm hàng dưới hình thức chuyển nhượng dự án sang chủ đầu tư mới… Những nghi vấn về một “thế lực vô hình” đang đứng sau thị trường bất động sản không phải không có lý khi mà thống kê số lượng căn hộ xây dựng đã đủ cho nhu cầu đến năm 2050 nhưng giá bán giảm không đáng kể. Do vậy, việc làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản cần được đặt ra như một điều kiện tiên quyết.
Liệu việc đổ tiền cứu doanh nghiệp có đưa được giá bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở trở về với giá trị đích thực của nó hay không? Tính thanh khoản của thị trường có tăng lên hay không? Việc Nhà nước can thiệp vào thị trường bất động sản là cần thiết. Giải cứu doanh nghiệp suy cho cùng cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người dân, của xã hội, bởi doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất mới có sản phẩm, có tiền đóng thuế và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhưng vực dậy một thị trường đã phát triển lệch lạc trong thời gian dài không đơn giản, mà rất cần thận trọng để giải quyết những vấn đề cốt yếu nhất trong bối cảnh tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh. Việc giải quyết hàng tồn kho là cấp bách, nhưng theo thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Cao Sỹ Kiêm thì “tồn kho giải quyết được cũng chỉ ở phần ngọn, phần gốc là hướng phát triển tiếp theo cho thị trường thế nào vì giải quyết được cục máu đông nhưng thành mạch vẫn xơ vữa, mỡ máu vẫn cao thì chẳng mấy chốc lại hình thành những cục máu đông khác bít đường luân chuyển…”.
Căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản phải có thuốc đặc trị. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và quan hệ cung cầu mới có thể đưa ra các giải pháp điều chỉnh thị trường mang lại tính thanh khoản, kéo giá nhà gần với giá thực tế và phù hợp với thu nhập của người dân. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sức mua chưa đến mức kiệt quệ như những gì thị trường địa ốc đang chứng kiến. Một thái độ ứng xử đúng mức đối với thị trường có thể hóa giải những bế tắc hiện nay. Điều quan trọng hơn, giải cứu để thị trường bất động sản hoạt động như một đầu tàu của nền kinh tế, không thể để các “nhóm lợi ích” lợi dụng chính sách của Nhà nước trục lợi.
No comments:
Post a Comment