Tuy nhiên, "hoạt động nghe" là một thứ tiếng Việt hết sức vụng về. Vì vậy, nhiều người đã đề nghị sử dụng thuật ngữ "điều trần" để thay thế. Rất tiếc, những người này hoặc do không có điều kiện tiếp cận hoặc do không có khả năng thuyết phục, nên đã không được lắng nghe. Cuối cùng, thuật ngữ được Quốc hội lựa chọn không phải là "điều trần" mà là "giải trình". Và, tất nhiên, ở nước ta chỉ có chuyện giải trình trước các ủy ban của Quốc hội chứ chưa có chuyện điều trần trước các ủy ban của Quốc hội.
Thực ra, gọi là "điều trần" hay gọi là "giải trình", thì cũng không quan trọng lắm, nếu việc này không làm thay đổi nội hàm của khái niệm. Chúng ta vẫn có thể gọi ngô là bắp, gọi lợn là heo. Tuy nhiên, có vẻ như mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Việc lựa chọn thuật ngữ "giải trình" đã thu hẹp đáng kể đối tượng mà các ủy ban của Quốc hội có thể nghe và cần phải nghe.
Mới đây, ngày 24.1.2013, tại phiên giải trình về thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối tượng được nghe chỉ là các quan chức nhà nước: Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các thứ trưởng của các bộ. Ba "nhân vật" chủ chốt của thị trường bất động sản là người bán (các công ty bất động sản, các nhà đầu tư bất động sản), các nhà môi giới và người mua đã không thấy xuất hiện. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể đề ra giải pháp giải cứu thị trường hữu hiệu được khi thiếu thông tin từ ba "nhân vật" chủ chốt này (?!).
Ủy ban Kinh tế đã làm đúng khi chỉ mời các quan chức của Chính phủ tham gia phiên giải trình, bởi vì rằng chỉ có các quan chức này mới có trách nhiệm phải giải trình. Các công ty bất động sản, các nhà đầu tư, các nhà môi giới bất động sản và những người mua nhà không có trách nhiệm phải giải trình như vậy (còn một "nhân vật" quan trọng khác không có trách nhiệm phải giải trình, nhưng cũng cần được lắng nghe đó là các chuyên gia về bất động sản).
Vấn đề là không nghe được những đối tượng này, uỷ ban lại không thể thu thập được những thông tin quan trọng nhất để giải cứu thị trường. Đó là thông tin về việc các công ty bất động sản (kể cả các nhà đầu tư, các nhà môi giới) và những người mua nhà đang muốn được trợ giúp như thế nào, họ cần cơ chế gì. Do không có được những thông tin này, nên việc tranh luận tại phiên điều trần có gì đó rất giống với việc lái xe mà không cảm nhận thật tốt mặt đường.
Cuối cùng, QH nghe Chính phủ là quan trọng, nhưng nhiều khi đó mới chỉ là nghe một tai. Muốn thu thập được đầy đủ thông tin cho hoạt động lập pháp hoặc giám sát phải nghe được cả hai tai. Quan trọng nhất là nghe được các đối tượng điều chỉnh của chính sách và nghe được các chuyên gia. Mà như vậy thì vẫn nên chọn thuật ngữ "điều trần", thay vì "giải trình".
No comments:
Post a Comment