Sau một thời gian đua nhau kích cầu bằng việc hạ giá, các doanh nghiệp bất động sản đã nhận ra một thực tế, giảm giá không phải là giải pháp tối ưu của thị trường hiện nay.
Nhìn lại những dự án bất động sản giảm giá thời gian qua, không phủ nhận có một số dự án có kết quả bán hàng khá tốt nhờ chính sách giảm giá. Trong số đó, đáng chú ý nhất là các dự án do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư như An Tiến, Hoàng Anh River View. Cụ thể, với Dự án An Tiến (huyện Nhà Bè, TP. HCM), sau khi chủ đầu tư giảm giá bán từ hơn 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu đồng/m2, đã có gần 500 căn hộ được tiêu thụ. Với Dự án Hoàng Anh River View (quận 2, TP. HCM), sau khi được 3 doanh nghiệp đầu tư thứ cấp là Đại Tín Á Châu, An Bình Land và CTCP Đầu tư và phát triển Sacom giảm giá từ giá mua sỉ 21,3 triệu đồng/m2 trước đó xuống còn 18,2 triệu đồng/m2, hơn 100 căn hộ đã được khách hàng chấp nhận mua.
Ngoài những dự án trên, TP. HCM lại chứng kiến nhiều dự án khác giảm giá mà kết cục vẫn không bán được hàng. Đơn cử như trường hợp của Công ty Lê Thành. Trước đây, Lê Thành đưa ra thị trường sản phẩm căn hộ Lê Thành Twin Tower (quận Bình Tân) với mức giá 13,9 triệu đồng/m2, nhưng không bán được hàng, sau đó quyết định giảm giá 2 triệu đồng/m2, từ 13,9 triệu đồng/m2 xuống còn 11,9 triệu đồng/m2, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Mới đây, Lê Thành đã đổi chiến lược, quyết định "chẻ" nhỏ diện tích căn hộ ra thành 35 m2 nhằm thu hút người có thu nhập thấp và có nhu cầu chỗ ở thực.
Không phải chủ đầu tư nào giảm giá căn hộ cũng bán được hàng
Trước đó, Công ty Thảo Loan đã chào bán một số căn hộ Dự án Thảo Loan Plaza (quận Bình Chánh) do Công ty làm chủ đầu tư, với mức giá giảm từ hơn 24 triệu đồng/m2 xuống còn 16 triệu đồng/m2 nếu khách hàng thanh toán trước 90% giá trị căn hộ, nhưng kết quả không khả quan. Tương tự, Dự án Petro Landmark ở quận 2 cũng đã từng giảm từ hơn 20 triệu đồng/m2 xuống còn 16 triệu đồng/m2, nhưng việc bán hàng cũng không mấy hiệu quả.
Từ đây, có thể thấy rằng, không phải dự án nào giảm giá cũng đều bán được hàng. Theo giới kinh doanh bất động sản, sở dĩ một số dự án như An Tiến, Hoàng Anh Riverview bán được hàng, ngoài việc giá giảm, yếu tố để khách hàng quyết định mua là vì những dự án này đã được xây dựng hoàn thành cơ bản, chủ đầu tư uy tín và chứng tỏ được năng lực hoàn thành dự án. Ngược lại, với các dự án đang xây dựng dở dang, chưa biết khi nào mới hoàn thành, thì dù giá đã giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn không dám mua.
Gần đây, trên thị trường lại xuất hiện một số thông tin cho rằng, thị trường bất động sản TP. HCM thời gian tới sẽ còn phải giảm giá từ 30 – 50% nữa mới phát huy tác dụng kích cầu. Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Hưng Thịnh Land, hiện thị trường bất động sản đang có sự phân hóa rất lớn ở mỗi phân khúc. Với các dự án căn hộ cao cấp, có vị trí không tốt, từng được đẩy giá quá cao hoặc chủ đầu tư bị áp lực tài chính, có thể còn phải giảm giá. Tuy nhiên, với phân khúc có mức giá trung bình, có tiến độ xây dựng tốt sẽ không thể giảm giá thêm. Bởi lẽ, chi phí hoàn thành sản phẩm, bao gồm chi phí đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác để hoàn thành một dự án vùng ven Thành phố cũng không dưới 12 triệu đồng/m2.
"Thực tế, thời gian qua, có khá nhiều dự án căn hộ có mức giá vừa phải, dù không giảm giá, nhưng nhờ chủ đầu tư uy tín, tiến độ xây dựng đảm bảo vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường, như Dự án 26 Nguyễn Thượng Hiền (Gò Vấp), 155 Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Quang Thái (quận Tân Phú)… Điều này cho thấy, giảm giá chưa chắc là giải pháp tối ưu, mà năng lực tài chính, uy tín của các chủ đầu tư mới là yếu tố quyết định", ông Hiền nói.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, yếu tố tạo nên "cái chết" của thị trường thời gian qua chưa hẳn là vấn đề giá cao hay thấp mà vấn đề người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin. Theo ông Nghĩa, có hai kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2013. Kịch bản thứ nhất, thị trường sẽ rất thê thảm và kéo theo sự trì trệ của cả nền kinh tế, nếu không có những giải pháp tích cực hỗ trợ. Và kịch bản thứ 2 là thị trường sẽ tốt hơn, với điều kiện nhận được sự quan tâm từ Chính phủ và các bộ, ngành để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.
"Nếu niềm tin người tiêu dùng được khôi phục, năm 2013 thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều và khả năng sẽ khởi sắc mạnh từ tháng 9/2013 trở đi", ông Nghĩa dự đoán.
Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này.
Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động
sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả
bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất
động sản Vland.
Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây
dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn
Theo Tăng Triển
ĐTCK
No comments:
Post a Comment