Thursday, January 24, 2013

Có nhất thiết phải cứu bất động sản?

Căn cứ số liệu hàng tồn kho hiện hơn 100 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay bất động sản 207 ngàn tỷ đồng, nợ xấu chiếm 6,5%. Con số này không lớn, chưa đến mức nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Do vậy, câu hỏi đặt ra có cần thiết phải giải cứu bất động sản hay không?

Theo báo cáo đánh giá Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch. Đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là nơi mà có nhiều dự án bất động sản lớn, chiếm khoảng gần 50% thị trường bất động sản cả nước, cũng là nơi tình hình thị trường khó khăn nhất.

Thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến tồn kho bất động sản và các loại vật liệu xây dựng tăng nhanh. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, tình hình tồn kho bất động sản cụ thể, về nhà ở tồn kho 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng), văn phòng cho thuê: tồn kho 92.800 m2 sàn, Trung tâm thương mại tồn kho 98.407 m2 sàn, đất nền nhà ở 7.922.485 m2 (792,2 ha). Đất thương mại 1.951.033 m2 (195,1 ha). Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.

BĐS, giải cứu, tồn kho, nợ xấu

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh theo báo cáo của 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà, 58.748 m2 mặt bằng thương mại, 300.071 m2 đất nền, giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỷ đồng. Hà Nội theo báo cáo của 13 chủ đầu tư đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459 m2 mặt bằng thương mại, văn phòng; giá trị tồn kho 14.070 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/10/2012 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6 % so với thời điểm 31/12/2011.

Tại phiên giải trình trước UB kinh tế Quốc hội về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sáng nay 24/1, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch UB giám sát tài chính Quốc Gia cho rằng, nếu căn cứ vào số liệu Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước thống kê trong báo cáo, giá trị hàng tồn kho hơn 100 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng 207 ngàn tỷ đồng, nợ xấu bất động sản chiếm 6,5% thì không quá lớn, không nghiêm trọng quá mức đối với nền kinh tế. Trong khi, các cơ quan quản lý chưa có số liệu đánh giá cụ thể về quy mô thị trường là bao nhiêu nên chưa thể đánh giá chính xác mức độ tác động đến thị trường, nền kinh tế. Vì vậy, cần xem xét việc có nên đặt vấn đề giải cứu thị trường bất động sản hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là thống kê sơ bộ, trên thực tế số liệu về hàng tồn kho và nợ xấu lớn hơn rất nhiều. Trong đó, số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào bất động sản, cũng như dư nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản, nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Đồng thời, về số liệu hàng tồn kho trên chưa phản ánh được tình hình thực tế, còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác. Như, nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng. Vì vậy, số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo. Do đó, cần thiết phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho doanh nghiệp bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế cần thiết tìm ra những điểm tắc nghẽn trong đó có bất động sản. Với bất động sản thì vấn đề chính cần làm đó là khắc phục tình trạng lệch pha về cung cầu. Nếu cần bằng cung cầu, gỡ khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại phát triển thì người dân lao động mới có việc làm.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản không chỉ liên quan ngành xây dựng, VLXD, …bất động sản còn liên quan hệ thống tài chính tiền tệ đặc biệt liên quan công tác quản lý trong đó có đầu tư phát triển đô thị. Sản phẩm bất động sản lớn, đầu tư dài, tiền đổ vào dự án lớn. Nếu khai thác hiệu quả tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Nếu đóng băng, không có giao dịch làm số lượng lớn nguồn vốn không lưu chuyển được, tháo gỡ khó khăn cho BĐS là cần thiết và rất khó.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong đó chú trọng bất động sản. Điều này khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn bất động sản là vấn đề cần thiết và rất khó cần sự vào cuộc tất cả các cấp chính quyền, Bộ ban ngành liên quan.

Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này.
 
 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động
sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả
bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất
động sản Vland.
 
 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
 
 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây
dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn


Theo Anh Đào
VnMedia



No comments:

Post a Comment