Wednesday, January 2, 2013

Doanh nghiệp bất động sản 2013 kém lạc quan

Với các con số tổng kết không mấy đẹp đẽ của thị trường bất động sản năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản thứ cấp đều không mấy tin tưởng thị trường sẽ bừng sáng vào năm tới.

Con số hàng tồn kho đang có đã khiến các doanh nghiệp muốn cải thiện tình hình tài chính khó khăn chỉ có cách hạ giá thành sản phẩm để thu vốn về. Cho dù nhiều chính sách giải cứu thị trường đã được lên khung nhưng dự báo năm tới, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải cầm cự và nghe ngóng.

Giảm giá mạnh để bán hàng tồn

Với lượng hàng tồn kho khổng lồ mà nhiều chuyên gia kinh tế dự báo là phải mất ít nhất 5 năm nữa mới bán hết, thì ước mơ doanh nghiệp bất động sản có khả năng vực dậy trong năm 2013 là một hiện thực xa vời.

Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang rất cao cản trở việc tiếp cận nguồn tín dụng mới khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khánh kiệt hoặc không có nguồn vốn mới để tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rất đuối vốn, thậm chí là cạn vốn, họ phải bán tháo nhiều dự án với mức giảm từ 30 – 40% tùy theo phân khúc, thời điểm và dự án. So với mức giá cách đây 2 năm, thì mức giá này năm ngoài tất cả các dự báo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối năm 2012, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng hầu hết bị thua lỗ, có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn, hàng tồn kho rất lớn không bán được và xuất hiện trên diện rộng tình trạng dở dang và sụt giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ tịch GP Invest, hiện nay doanh nghiệp đang phải buộc tạm dừng một số dự án để nghe ngóng thị trường, đồng thời cũng giống nhiều đơn vị khác, doanh nghiệp đang phải cầm cự để tự nuôi sống mình.

Ông Nguyễn Văn Hiệp cũng nhận định phải đến giữa năm 2013, hệ thống ngân hàng mới được tái cấu trúc xong nên thời điểm đó mới tạo hy vọng cho thị trường bất động sản. Như vậy, nếu thuận lới, ít nhất cuối năm 2013 may ra thị trường mới có thể phục hồi.

Thị trường 2013 trông chờ vốn từ ngân hàng

Theo ông Nguyễn Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, để thị trường 2013 ấm lên, việc làm cấp bách là phải có công cụ hiệu quả để xử lý nợ xấu ngân hàng giải thoát cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Mai cũng nêu hướng giải quyết bằng cách các ngân hàng thương mại nghiên cứu việc tăng cường cho vay tiêu dùng cá nhân, đặc biệt mua nhà, xây nhà ở với các chính sách vốn trung và dài hạn, ưu đãi lãi suất tháp và ổn định trong nhiều năm.

Trong khi đó, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinaconex 2 kiến nghị, năm 2013 các ngân hàng và cơ quan quản lý nên phân loại doanh nghiệp và dự án, những dự án nào sắp cho ra sản phẩm, có thể hoàn thiện nốt để bán, bàn giao thu tiền về sẽ được ngân hàng ưu tiên bơm vốn…

Hạ lãi suất cho vay

Ngoài câu chuyện khó tiếp cận nguồn vốn vay, thì mối lưu tâm lớn nữa của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2013 là lãi suất. Tính đến hết năm 2012, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn phải trả ngân hàng mức lãi suất rất cao, từ 15 – 17%/năm. Đây thực sự là gánh nặng cho các doanh nghiệp trong năm tài chính qua.

"Các ngân hàng nên đưa ra cam kết điều chỉnh tỷ lệ lãi suất hợp lý", đó là mong muốn của ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Như vậy, lãi suất đầu vào đã xuống 9%/năm, hạ lãi suất cho vay các dự án bất động sản xuống 11 – 12%/năm là mong ước của các doanh nghiệp bất động sản khi nói về tín dụng 2013.

Bởi thực tế năm qua cho thấy, thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc CTCP bất động sản Thế Kỷ (CEN Group) nhìn nhận, việc giảm lãi suất sẽ có lợi hơn cho người mua nhà và hy vọng khi người mua vay được tiền sẽ làm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bởi trên thực tế, khoảng 1, 2 tháng trở lại đây, với những dự án có sự liên kết với ngân hàng, số lượng giao dịch thành công đã tăng lên đáng kể.

“Triển vọng thị trường bất động sản 2013 vẫn đang trong tình trạng tất cả đều chờ đợi. Mặc dù vậy, thị trường vẫn có những điểm sáng nếu doanh nghiệp có sự điều chỉnh, tập trung vào phân khúc bình dân, giá thấp, diện tích nhỏ thì chắc chắn sẽ thành công”, bà Đỗ Thu Hằng, đại diện Savills Việt Nam nhận định.

Dẫu rằng, trong năm qua, thị trường BĐS vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thử thách, nhưng không thể phủ nhận tín hiệu lạc quan đã xuất hiện. Chẳng hạn, vốn FDI tăng thêm và cấp mới vào BĐS trong năm 2012 đạt 1,85 tỷ USD, con số này khá khả quan so với năm ngoái khi vốn FDI vào BĐS chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD. Cùng với đó là động thái nới lỏng tín dụng trong tháng cuối năm 2012 hy vọng sẽ làm sáng hơn bức tranh thị trường năm mới. 

Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này.
 
 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động
sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả
bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất
động sản Vland.
 
 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
 
 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây
dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn

Theo VnMedia



No comments:

Post a Comment