Sunday, January 20, 2013

Bất động sản: 'Tay không bắt giặc, chết là đúng'

Theo ông Lê Chí Hiếu, TGĐ công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House): "Các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng nhưng không có đồng vốn, miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật. Họ bị "chết" là điều đương nhiên…”.

Là một nhà kinh doanh ngành bất động sản, ông nhìn nhận như thế nào về tình hình kinh tế năm qua, đặc biệt là ngành bất động sản?

BĐS, thị trường, giải cứu, địa ốc
Ông Lê Chí Hiếu

Hoạt động kinh doanh hơn 20 năm, ông có những dự đoán tình hình kinh tế trong năm nay?

Đầu năm nay đã có những tín hiệu tốt: Nhận thức của chính phủ đối với nền kinh tế thị trường đã có tiến bộ hơn trước, được thể hiện bằng quyết tâm chính trị trong việc lắng nghe và sửa đổi chính sách. Hiện nay chính phủ đang chuẩn bị đưa ra hàng loạt cải cách sửa đổi, kể cả sửa hiến pháp và nhiều bộ luật cũng như các quy định còn đang bất cập.

Song song những giải pháp ổn định vĩ mô lâu dài, chính phủ cũng đang chú ý đến những giải pháp trước mắt để có thể giải cứu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có ngành bất động sản.

Những chỉ tiêu của nền kinh tế vĩ mô cũng có một số cải thiện. Chỉ số giá tiêu dung CPI giảm, những cán cân thanh toán, nhập siêu có cải thiện. Tuy nhiên đó là những ẩn số ngầm, có những chỉ số nhìn thấy vậy nhưng chưa chắc là tốt.

Ngành kinh tế đang bị "trọng bệnh", chưa có sức đề kháng, nhất là đối với các doanh nghiệp, đáng lo nhất là bội chi ngân sách cũng rất tăng cao.

Ông có thấy ngành bất động sản đang là nguyên nhân"chủ lực" trong việc làm tình hình kinh tế đi xuống?

Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, ngành bất động sản luôn là ngành kinh tế đầu tàu. Ngành bất động sản bị "hắt hơi, sổ mũi" sẽ kéo đến là các ngành kinh tế khác, dẫn đến nền kinh tế chung bị ảnh hưởng.

Vì vậy trên thế giới, người ta nhận thức ngành bất động sản là ngành chủ chốt của nền kinh tế, được tính vào GDP, được đưa vào các đánh giá, xem đó là ngành kinh tế chủ lực. Riêng Việt Nam, có một thời gian người ta dị ứng với ngành bất động sản, xem nó là "con ghẻ", bị đối xử như là nơi đầu cơ, tích trữ….

Có một giai đoạn do mục tiêu chống lạm phát, nhà nước đã tiến hành thắt chặt tín dụng và tiền tệ, loại ngành bất động sản ra khỏi các ngành kinh tế cần hỗ trợ, được cho là ngành kinh tế phi sản xuất. Việc đó tuy có tác dụng chống lạm phát nhất thời nhưng đã làm tiêu hao năng lục đề kháng của ngành.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị đưa ngành bất động sản trở thành ngành kinh tế chính thức, bình đẳng như nhiều ngành kinh tế khác. Tuy đã được tháo gỡ một số vấn đề, nhưng vẫn còn những chính sách thắt chặt, vài người vẫn còn nhìn ngành bất động sản bằng đôi mắt phiến diện.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng, chạy theo thị trường nhưng không có thực lực, không có đồng vốn miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật. Họ bị "chết" là điều đương nhiên, nhưng những hoạt động sai lầm của họ cũng làm ảnh hưởng đến những nhà kinh doanh bất động sản chân chính khác.

Năm nay tôi rất mừng vì Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận ra mâu chốt của nền kinh tế là ngành bất động sản, vực dậy bất động sản có thể kéo theo nhiều ngành khác phát triển, từ đó đã có những chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, trên thực tế những "tháo gỡ" đó vẫn chưa đến được với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng qua quỵết tâm chính trị và những nhận thức đúng của Trung ương Đảng và Chính phủ đã làm cho những nhà kinh doanh bất động sản có niềm tin trở lại. Đó là một tín hiệu tốt.

Theo ông, những năm tới, giá đất đai, nhà cửa ở Việt Nam sẽ tăng hay giảm?

Xu hướng chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giá các sản phẩm trong ngành bất động sản luôn ngày càng tăng, do nguồn đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu về đất đai, nhà cửa của dân chúng, nhu cầu đô thị hoá của xã hội ngày càng tăng.

Sau khủng hoảng kinh tế, giá bất động sản sẽ tăng dần nhưng không đột biến như trước đây nữa vì mọi người đã rút ra bài học "xương máu", kể cả chính phủ và nhà đầu tư, thì việc tăng giá sẽ được kềm chế trong an toàn hơn.

Tuy nhiên, cũng nên xét đến trường hợp đồng tiền mất giá, giá đất đai, nhà cửa cũng tăng. Đó là tăng ảo, chứ không phải tăng thực sự. Chính phủ các nước phải làm sao kềm được mức tăng cho hợp lý, vì phải tăng giá thì nhà đầu tư mới có lãi, mới có thể hăng hái, có đồng vốn để đầu tư tiếp tục.

Còn về mặt an sinh xã hội, với mục đích để dân nghèo có nhà cửa thì chính phủ phải có một chính sách nhà xã hội, nhà trả góp… có tính khả thi cao và nhà nước phải chỉ đạo đầu tư trực tiếp với những nguồn lực tương xứng, bên cạnh đó cũng phải biết cách huy động nguồn lực của xã hội. Với những chương trình đầu tư nhà cho người nghèo có thể chế rõ ràng và được nhà nước tạo điều kiện trong việc cho vay vốn ưu đãi thì dù không có lợi nhuận nhiều các nhà đầu tư cũng vẫn sẵn sàng tham gia. Điều quan trọng là thể chế tài chính rõ ràng, tổ chức minh bạch, bài bản, thanh toán dễ dàng, thủ tục nhanh chóng…

Xin cảm ơn ông!
 

Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này.
 
 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động
sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả
bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất
động sản Vland.
 
 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
 
 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây
dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn

Theo Lê Ngọc Dương Cầm
Giáo dục Việt Nam



No comments:

Post a Comment