Sunday, January 20, 2013

Thị trường bất động sản hồi phục vào năm 2014?

Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, thị trường BĐS đã có thay đổi rất nhanh, Chính phủ đã có  2 nghị quyết để cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hàng loạt NH vào cuộc tài trợ vốn cho người mua nhà… Tuy nhiên, khi những giải pháp chưa đi vào cuộc sống, thị trường BĐS lại trở về nỗi ám ảnh hàng tồn kho và nợ xấu.

Bi quan với quỹ căn hộ tồn kho và mặt bằng giá

Ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành – tỏ ra nghi ngờ về quỹ căn hộ tồn kho thực tế hiện nay. Ông Nguyễn Văn Đực dẫn lại số liệu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại phiên chất vấn Quốc hội là 16.469 căn hộ chung cư, trong đó TPHCM 10.108 căn, Hà Nội là 3.292 căn… Trong khi đó, theo báo cáo từ Quỹ Dragon Capital, con số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70.000 căn ở cả TPHCM và Hà Nội, đây mới chỉ dừng lại ở mảng căn hộ, còn biệt thự, liền kề chưa tính đến.

Theo ông Nguyễn Văn Đực: "Hai số liệu thống kê chênh lệch đến 4 lần, nếu không biết chính xác hàng tồn kho, chúng ta không thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của nó cũng như đưa ra giải pháp đúng liều để tháo gỡ tình trạng này. Theo tôi, số hàng tồn kho sản phẩm đã hình thành hoặc gần hoàn thành phải đến cả trăm ngàn căn hộ. Số tiền tồn kho phải đến hai trăm ngàn tỉ đồng làm nghẽn mạch nền kinh tế tài chính quốc gia, phải có biện pháp giải quyết hàng tồn kho này".  

Ông Nguyễn Văn Đực còn thống kê thêm một dạng tồn kho khác đó là hàng tồn kho từ các nhà đầu tư thứ cấp.  Số hàng tồn kho thứ cấp này rất lớn có khi còn hơn hàng tồn kho của các DN nên tổng số hàng tồn kho phải cao gấp 2 hoặc 3 lần con số báo cáo. Những cá nhân, đơn vị đang "ôm" quỹ căn hộ tồn kho buộc phải cạnh tranh khốc liệt để tiêu thụ.  Nhận định về khả năng tiêu thụ căn hộ tồn kho, ông Đực cho rằng: "Hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ trên 1 tỉ đồng nên rất khó bán, tôi tin những DN này phải giải quyết hàng tồn kho của mình trong 4 – 5 năm tới".

Sư bị quan về khả năng tiêu thụ quỹ căn hộ tồn đọng không chỉ là vấn đề quỹ căn hộ tồn đọng là bao nhiêu mà còn là diễn biến giá. Đã có rất nhiều dự báo rất bi quan, theo đó đến cuối năm 2012 mặt bằng giá căn hộ đã giảm 30 – 40 thậm chí là 50%. Mặt bằng giá cuối năm 2012 được xem đã chạm đáy. Thế nhưng theo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, các thị trường BĐS phát triển trước, biên độ giảm giá xuyên đáy có khi lên đến 30%. Điều này được dự báo sẽ diễn ra trong năm 2014.

Thị trường BĐS có khả năng hồi phục trong năm 2014?

Trong khuôn khổ hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã thông tin về tình hình mới của thị trường BĐS. Theo đó, sau khi làm việc với 2 thành phố Hà Nội và TPHCM về nợ xấu và một số vấn đề của thị trường BĐS, Chính phủ đã có 2 nghị quyết 01 và 02. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm: "Sắp tới, chúng tôi có một cuộc điều trần trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường BĐS. Thị trường BĐS hồi phục vì lợi ích đất nước chứ không vì mục đích của vài DN. Hiện nay chưa có DN nào chết nhưng có nhiều người lao động mất việc. Khôi phục lại thị trường BĐS là khôi phục lại một thị trường quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Nói giải cứu thị trường BĐS nghe liên quan đến lợi ích nhóm, đó là tư duy lệch lạc, không tạo được sự đồng thuận cao".

Về khả năng vận dụng các giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Trần Du Lịch cho rằng: "Chúng ta vẫn có cơ để làm". Bởi theo ông Trần Du Lịch, khủng hoảng của thị trường BĐS Việt Nam có một số điểm giống và khác với thị trường BĐS ở các nước khác. Ở các nước khác, khi thị trường đóng băng có nghĩa là đóng băng toàn bộ. Trong khi đó, ở Việt Nam phân khúc căn hộ phổ thông (khoảng 70m2 giá dưới 1 tỉ đồng) vẫn có thể bán được, thậm chí cung không đủ cầu.

Về các giải pháp phá băng thị trường BĐS, ông Trần Du Lịch cho rằng, mấu chốt nằm ở chính sách tài khóa và tín dụng. "Về chính sách tài khóa, tôi đề nghị,  gỡ cho phân khúc nhà bình dân, dưới 70m2 giá dưới 15 triệu, khoảng 1 tỉ. DN có nhà trên 1 tỉ tự điều chỉnh, có thể chấp nhận lỗ để thanh khoản, chính sách tài khoá hỗ trợ tín dụng, tất cả chính sách tập trung loại này, gỡ từng mảng. Không thể nào giải cứu, phá băng toàn bộ thị trường BĐS, chưa có nước nào làm được.

Về tín dụng, nếu muốn kích cầu BĐS  lãi suất phù hợp,  thời hạn càng dài càng tốt. Trong năm 2013, lạm phát 6%, lãi suất huy động 6%, cho vay thương mại 9-10%, cho vay mua nhà phổ thông bằng mức huy động.  NHNN sử dụng 20.000 -40.000 tỉ đồng lãi suất tái cấp vốn. Dùng chính sách tài khóa và tín dụng hỗ trợ cho đầu ra là hỗ trợ cho sự phát triển". Cuối cùng ông Lịch kết luận: "Thị trường BĐS hoàn toàn có khả năng ấm trong năm 2013, tự nó điều chỉnh mà không đi đến đổ vỡ, sau 2014 có thể hồi phục".



No comments:

Post a Comment