Tuesday, January 8, 2013

Thị trường bất động sản tỉnh Bến Tre 10 năm hội nhập và phát triển

Khu nhà ở Ao Sen Chợ Chùa.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo trong cả nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng do chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện phát triển một cách toàn diện, quy họach đô thị chỉ thực hiện một phần và hình thành một cách chắp vá.

Thị trường bất động sản trong giai đoạn này chưa được hình thành, chuyển nhượng bất động sản của người dân hoạt động tự do, nhỏ lẻ theo quy luật cung cầu. Để bước vào những ngày đầu xây dựng và phát triển, tỉnh đã gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là công tác đô thị hóa, xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đẩy nhanh tiến trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây "công cuộc Đồng Khởi mới" được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị địa phương đã tập trung mọi nguồn lực đưa ra những giải pháp đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, đầu tư xây dựng mới nhiều công trình và mở rộng nhiều tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông được hoàn thành đưa vào sử dụng đã là niềm mong ước của bao thế hệ người dân Bến Tre, rút ngắn được khoảng cách và thời gian lưu thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Việc tăng trưởng và phát triển đô thị kéo theo các thương mại dịch vụ khác được hình thành, trong đó thị trường bất động sản phát triển với những thành tựu đáng kể. Đây là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp dân cư, giải quyết mối quan hệ giữa các lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích chủ đầu tư, lợi ích cộng đồng và lợi ích của người lao động; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần xóa các hiện tượng kinh doanh trái phép trong lĩnh vực bất động sản.                                        

Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, ngành xây dựng nói chung và Sở Xây dựng Bến Tre nói riêng đã tích cực phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực. Về chuyên môn nghiệp vụ, tập trung vào công tác chỉnh trang, sửa chữa và xây mới các công trình công cộng và dân dụng, các khu dân cư mới, khu tái định cư, các khu công nghiệp và các cơ sở công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định liên quan đến thị trường bất động sản như: Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Chuyên gia liên ngành giúp việc ban Chỉ đạo, Quy chế  tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; ban hành bảng giá nhà ở, vật kiến trúc xây dựng mới; giá cho thuê nhà ở công vụ, quy chế quản lý sử dụng nhà ở công vụ; theo dõi tổng hợp, dự báo về cung – cầu bất động sản; quy định quản lý kiến trúc các dự án bất động sản trên toàn tỉnh; tham mưu điều chỉnh quy hoạch kịp thời phù hợp với tình hình phát triển của địa phương theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Quy hoạch xây dựng tại các đô thị và trung tâm xã hiện nay đã được phủ kín trong phạm vi toàn tỉnh, trong đó có định hướng tính toán dành riêng các dự án bất động sản về nhà ở và các dự án tái định cư. Đặc biệt, thành phố Bến Tre là trung tâm đô thị trọng điểm của tỉnh được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3, theo Quyết định số 1081 ngày 09 – 8 – 2007 và được Chính phủ công nhận thành phố trực thuộc tỉnh vào tháng 6 – 2009. Đây là lợi thế của tỉnh để từng bước hội nhập và phát triển thị trường bất động sản trong phạm vi cả nước. Thị trường bất động sản tỉnh Bến Tre trong giai đoạn này liên tục phát triển vì có nhiều lợi thế để đầu tư, giá đất tại các dự án có tăng nhưng thấp hơn so với các thành phố trong khu vực. Như vậy, giá tăng nhưng giá trị đất vẫn thấp (giá đất nền nhà trung bình tại các dự án khoảng 3 triệu đồng/m2) nên dù có nguồn vốn nhỏ, nhà đầu tư có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án.         

Tổng quan về các dự án bất động sản tiêu biểu đã thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua: Khu nhà ở Ao Sen – Chợ Chùa tọa lạc tại phường Phú Tân là Dự án đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản của tỉnh được triển khai xây dựng năm 2012. Tiếp đến là các dự án: Khu dân cư 225, phường 7 và xã Bình Phú; Khu dân cư Sao Mai, phường 7; Khu dân cư Phú Dân, xã Phú Hưng; Khu tái định cư Công an tỉnh, phường 7; Khu dân cư Mỹ Thạnh An, xã Mỹ Thạnh An; Khu đô thị mới Việt Sinh An Bình tại thị trấn Ba Tri hoàn thành trong năm 2012. Ngoài ra, còn có thị trường đất công nghiệp, khu công nghiệp tập trung như Khu công nghiệp Giao Long; An Hiệp, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư (Hàn quốc, Thái Lan, Nhật, Đài Loan, Indonesia, Malaysia…); hai khu này giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17.000 công nhân tại địa phương. Việc các dự án đã hình thành và phát triển tạo nên sức sống mới của một đô thị hiện đại.

Hiện nay, thị trường bất động sản cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các dự án có giá thành cao như: Nhà ở, chung cư, biệt thự cao cấp do có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nổi bật là lạm phát, lãi suất tín dụng tăng cao và giá vàng biến động mạnh. Tuy nhiên, khi lạm phát được kiểm soát, lãi suất tín dụng hạ thấp, giá vàng ổn định, nhu cầu nhà ở của người dân sẽ kéo thị trường bất động sản phát triển và nhà đầu tư quay trở lại với thị trường này. Thị trường bất động sản tại tỉnh Bến Tre có ảnh hưởng nhưng không đáng kể do chưa có dự án cao cấp nêu trên, các dự án bất động sản trong tỉnh có mặt bằng giá thành tương đối thấp. Mặt khác, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục tăng, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, việc quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, thị trường bất động sản tỉnh Bến Tre đã chuyển biến tích cực, từng bước ổn định phát triển trong hiện tại và tương lai.

Các dự án đã hoàn thành trong năm 2011- 2012 lượng cung không đáp ứng được lượng lớn nhu cầu, sức mua tăng cao. Đến nay, chủ đầu tư không còn nền nhà để chuyển nhượng cho khách hàng tại Dự án Khu đô thị mới Việt Sinh An Bình và khu dân cư Mỹ Thạnh An. Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở của người dân Bến Tre không ngừng gia tăng với dân số trên 1,3 triệu người và trên 65% đang ở tuổi lao động, có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ muốn có nhà riêng để ở. Do vậy, các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre nếu có giá thành phù hợp như hiện nay sẽ đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng nêu trên.

Qua 10 năm hội nhập và phát triển, số lượng giao dịch bất động sản đã được cơ quan tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận hàng năm liên tục gia tăng, cụ thể: Trong năm 2002, số lượng giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại thành phố Bến Tre trung bình trên 100 trường hợp/tháng; tại các huyện trên 50 trường hợp/tháng. Đến năm 2012, tại thành phố Bến Tre trung bình trên 250 trường hợp/tháng; tại các huyện trên 100 trường hợp/tháng. Qua  khảo sát về số lượng chuyển nhượng bất động sản tại các huyện, thành phố Bến Tre có giá trị dưới 500 triệu đồng là 65%, bất động sản có giá trị trên 500 triệu đồng là 35%. Lực lượng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia đầu tư vào các dự án bất động sản ngày càng gia tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản tỉnh Bến Tre luôn được công khai, minh bạch, là thị trường ổn định đầy tiềm năng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, còn yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư đến Bến Tre đầu tư bất động sản là do cơ chế và chính sách thông thoáng của chính quyền địa phương, luôn khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triểnvào lĩnh vực bất động sản.

 



No comments:

Post a Comment