Theo nhận định của Luật sư Trung thì cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Đối với bản án sơ thẩm: Bản án sơ thẩm số 17/2009/DSST ngày 29/07/2009 lấy lý do bà Xuân không sử dụng đất nên chỉ công nhận một phần, tước bỏ phần lớn quyền sở hữu nhà và sử dụng đất của bà Xuân là không có căn cứ bởi:
Thứ nhất, việc bà Xuân không sử dụng đất không đồng nghĩa với việc bà Xuân từ bỏ quyền sở hữu của mình (đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu).
Thứ ba, Tòa án đưa ra luận điểm trên nhưng lại không đưa ra được các căn cứ pháp lý, cũng như lập luận xác đáng.
Mặt khác, tại bản án sơ thẩm ghi nhận bà Nhung vào ở trên nhà đất này từ năm 1991, quản lý và sử dụng ổn định nhà đất, đóng thuế cho Nhà nước từ trước khi có Luật đất đai năm 1993 đến nay từ đó áp dụng khoản 4 điều 50 luật đất đai công nhận quyền sở hữu phần lớn diện tích đất đang tranh chấp nói trên cho bà Nhung là hòan tòan không phù hợp.
Theo quy định tại khoản 4 điều 50 Luật đất đai thì “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 nhưng đất được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thịtrấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Trong vụ việc này mặc dù bà Nhung sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 nhưng lại là đất đang tranh chấp. Bà Nhung không được UBND phường Long Toàn xác nhận là đất không có tranh chấp. Do đó Tòa án nhân dân thị xã Bà Rịa căn cứ khỏan 4 điều 50 Luật đất đai công nhận quyền sở hữu đất nói trên cho bà Nhung là trái với quy định của Luật đất đai và xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của bà Trần Thị Xuân và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Đối với bản án phúc thẩm: Bản án phúc thẩm số 123/2009/DSPT cho rằng hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Tâm với bà Xuân là hợp đồng giả cách nhằm trốn tránh quy định của nhà nước về việc không được sở hữu, sử dụng nhà đất khi làm thủ tục xuất cảnh định cư ở nước ngoài, từ đó xác định hợp đồng nói trên vô hiệu và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 12116/CN-SHN do Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp cho bà Xuân không có giá trị pháp lý là không có căn cứ. Tại thời điểm bà Tâm xuất cảnh pháp luật không cho phép người xuất cảnh được sở hữu và sử dụng nhà đất, do đó bà Tâm tiến hành chuyển nhượng nhà đất cho bà Xuân là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Hơn nữa, việc chuyển nhượng thực hiện theo đúng trình tự thủ tục có đơn xin mua bán nhà được xác nhận ngày 06/06/1989, đã thực hiện trước bạ. Việc bà Tâm giữ lại giấy tờ nhà đất với mong muốn sau này sẽ chuộc lại đất từ bà Xuân là phù hợp hòan tòan không vi phạm điều cấm của pháp luật. Tòa án viện dẫn điều 4, 5, 14 Luật đất đai năm 1987 cho rằng người sử dụng đất không sử dụng mà bỏ hoang đất trong thời hạn 6 tháng thì phải bị thu hồi. Mặt khác, cũng tại điều 15 luật đất đai 1987 quy định “cơ quan có thẩm quyền giao đất nào thì thu hồi đất đó”. Trong trường hợp này chưa có quyết định thu hồi nào từ phía cơ quan nhà nước nên quyền sử dụng đất và sở hữu nhà của chủ sử dụng đất vẫn tồn tại, không bị chấm dứt.
Về phía bà Nhung, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng nhà nước đã mặc nên công nhận là đất của bà Nhung thông qua việc bồi thường đất khi giải tỏa làm đường là không có cơ sở pháp luật. Đây là việc làm thiếu sót của cơ quan nhà nước bởi khi có quyết định thu hồi bà Nhung không phải là chủ sử đụng đất mà chủ sử dụng được ghi nhận trong sổ địa chính lưu tại phường Long Toàn là bà Xuân. Rõ ràng cơ quan nhà nước ở đây đã không xem xét đến nguồn gốc đất cũng như tính pháp lý mà chỉ nhìn vào thực tế là bà Nhung đang sử dụng dẫn đến việc xác định sai đối tượng hưởng đền bù.
Việc bà Nhung tự ý khai hoang, cải tạo trên đất nói trên đã xâm phạm đến quyền sở hữu được nhà nước công nhận của bà Xuân.
Mặt khác căn cứ điều 247 Bộ luật dân sự thì “người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu” trừ tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước. Giả sử trong trường hợp bà Nhung không biết phần diện tích đất trên của bà Xuân thì tính từ lúc bà Nhung chiếm hữu đất đến nay chưa được 30 năm do đó không có căn cứ pháp lý để xác lập quyền sở hữu cho bà Nhung.
Như vậy, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phần lớn diện tích nhà và đất tại số 46 đường Trần Quang Diệu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cho bà Nhung là trái với quy định tại khoản 4 điều 50 Luật đất đai, điều 247 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra Luật sư Nguyễn Tiến Trung trao đổi thêm, với tư cách luật sư bảo vệ cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm hiện nay chúng tôi đã có đơn đề nghị tời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án số123/2009/DSPT ngày 23/10/2009 của Tòa án nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu.