Sunday, September 30, 2012

Nợ xấu vẫn…xấu?


Bên cạnh bất động sản thì bức tranh về nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước cũng không kém phần u ám.

Những số liệu mới nhất cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. Con số này, theo không ít chuyên gia là “rất lớn”.

Nguyên nhân chính được cho là do khu vực này được hưởng những ưu đãi về tín dụng nên các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các doanh nghiệp khu vực khác.

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2012 của Bộ Tài chính cho biết, có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sỡ hữu trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần.

Rất khó khăn, rất khó giải quyết là điều được nhấn mạnh không ít lần ở nhiều diễn đàn với nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khi, thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn…

Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức rất cao và nguy cơ thâm hụt ngân sách năm nay tăng trở lại, ông Minh cho rằng khả năng hỗ trợ của ngân sách để giảm nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ vô cùng khó khăn.

“Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực này sẽ thực sự là một công việc khó khăn đối với Việt Nam trừ phi có những thay đổi quyết liệt về chính sách liên quan đến việc mua bán tài sản tại khu vực này”, bản tham luận nêu rõ.

Một phần nợ xấu còn do tăng vốn ảo của các tổ chức tín dụng có quan hệ chồng chéo với nhau, vẫn theo phân tích của chuyên gia Đinh Tuấn Minh.

Để giải quyết nợ xấu có tính hệ thống trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, ông Minh cho rằng đầu tiên cần xây dựng nguyên tắc xử lý nợ xấu có tính hệ thống và hình thành quỹ mua bán nợ xấu quốc gia.

Vị diễn giả này cũng nhấn mạnh là không nên dùng giải pháp xóa nợ trong giai đoạn hiện nay, mà cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tự thu xếp nợ với các doanh nghiệp, đặc biệt là sử dụng các khoản dự phòng để giải quyết nợ xấu.

“Chúng tôi cho rằng hiện tượng nợ xấu của Việt Nam hiện nay mang tính cơ cấu và hệ thống. Để giải quyết vấn đề này thì vẫn cần nhanh chóng hình thành một công ty mua bán nợ quốc gia có chức năng mua bán nợ xấu tại các tổ chức tín dụng”, tác giả đưa ra khuyến nghị.

Khuyến nghị này của ông Minh cũng nằm trong mối băn khoăn của các vị đại biểu Quốc hội, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Và câu trả lời của Thống đốc là chưa có một cơ quan thẩm quyền nào có ý kiến về đề án mua bán nợ ở tầm cỡ quốc gia, mà mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu để sẽ báo cáo.

Cũng tại đây, Thống đốc đã nói đến tiền đề để nghĩ tới việc thành lập một công ty quản lý tài sản với mức độ chi phí thấp nhất. Bởi, nếu như một khoản nợ là 100 đồng ngân hàng đã trích lập 70 đồng và tài sản đảm bảo cho khoản nợ đó lại bằng 135% của khoản nợ đó. Như vậy, về lý thuyết thì tổ chức tín dụng ấy chỉ cần bán khoản nợ dưới 30 đồng là họ đã thu đầy đủ vốn. Với một tài sản có giá trị 135 đồng thì việc họ bán với giá 30 đồng cho dù thời kỳ khó khăn đến mấy họ cũng có cơ để bán được. Như vậy, có thể xử lý nợ xấu thông qua các cơ chế là, chỉ cần có một đơn vị nào đó họ chấp nhận quản lý tài sản đó và họ đưa lại cho ngân hàng và doanh nghiệp 30 đồng thì như vậy ngân hàng hết nợ xấu, nền kinh tế có thêm thanh khoản và bản thân công ty đó có điều kiện kinh doanh có lãi.

Tuy nhiên, liền đó, khi Chủ tịch Quốc hội chất vấn là tới 30/6/2013, nợ xấu có giảm không và giảm xuống bao nhiêu, thì câu trả lời của Thống đốc Bình là “tôi tin tưởng sâu sắc rằng với nỗ lực phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta thì chúng ta sẽ xoay chuyển được tình hình và tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện trong thời gian sắp tới, tiến tới chỗ là ngay trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế”,

Ngay lập tức, không ít đại biểu và cử tri đều không hài lòng về câu trả lời này. Song, với những phân tích nhiều chiều trên đây, ngẫm lại thì thấy Thống đốc cũng có thể cũng …có lý khi không thể đưa ra một câu trả lời cụ thể hơn.

Vĩnh An




No comments:

Post a Comment