Những trận động đất liên tục ở Bắc Trà My và các huyện lân cận (tỉnh Quảng Nam) mà trung tâm là Thủy điện Sông Tranh 2 đã gây nên những lo lắng triền miên cho người dân địa phương. Tuy nhiên đây chỉ là một trong các "dư chấn" của Thủy điện Sông Tranh 2.
Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận của Thủy điện Sông Tranh 2 là việc TĐC và cấp đất cho dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện để sinh sống và sản xuất. Những người dân địa phương chấp nhận bỏ quê hương, bản quán, mồ mả ông bà, bỏ cả cuộc sống ổn định để ra đi nhường đất xây dựng thủy điện, nhưng 5 năm rồi họ vẫn không được cấp đất sản xuất, phải sống đói khổ, tủi hổ bằng tiền, gạo hỗ trợ hàng tháng.
Nhiều hộ dân tại xã Trà Đốc bỏ nhà xây, dựng nhà gỗ ở để tránh thương vong do động đất
Chỉ sợ nhà sập…
Những ngày giữa tháng 9 này, chúng tôi tìm đến các khu TĐC của người dân Thủy điện Sông Tranh 2 và thật chua xót khi nhìn đồng bào ở một nơi hẻo lánh, thiếu thốn đủ mọi thứ, như đang bị bỏ quên giữa rừng hoang. Đường vào khu TĐC thôn 3A của xã Trà Đốc (Bắc Trà My) là con đường đất đỏ, nhầy nhụa sau những trận mưa. Hai bên đường, những ngôi nhà xây TĐC của dân nằm lọt thỏm giữa rừng núi hoang vắng. Bên cạnh mỗi nhà xây đóng kín cửa là một ngôi chòi tre, nứa lợp tạm. Nhà xây không một bóng người, gia đình nào cũng dồn qua ở chòi lợp tạm bên cạnh.
Có những chòi được dựng lên từ nhiều năm trước, ngay khi bà con về sống nhà TĐC. Lúc đó bà con phải dựng chòi tạm ở vì không chịu nổi cái nóng nực, bức bối của nhà xây. Hơn nữa đồng bào quen đốt lửa giữa nhà rồi quây quần chung quanh… Thói quen sinh hoạt có từ bao đời qua đó chỉ thích hợp với nhà sàn, tranh tre nứa lá. Tuy nhiên, đến gần đây những chòi tre đó càng được dựng nhiều hơn nữa khi động đất xuất hiện.
Tiếp chúng tôi trong một chòi lá lợp tạm, già Hồ Văn Xí (80 tuổi) ở thôn 3A buồn bã kể: "Từ ngày nhường đất xây dựng Thuỷ điện Sông Tranh 2, chuyển đến ở khu TĐC, cuộc sống chúng tôi cơ cực trăm bề. Đất đai không có để làm ăn, trong khi mấy ha đất màu mỡ ở quê cũ thì bị thủy điện nhấn chìm trong biển nước. Đến cái nhà cũng tạm bợ. Sống không chỉ thiếu thốn mà còn triền miên trong lo lắng".
Già Xí cho hay, nhà TĐC không hiểu xây thế nào mà xuống cấp nhanh quá, qua mấy trận động đất còn thêm nứt toác, lở lói, xập xệ… "Những nhà xây này có khi mưa to gió lớn cũng có thể sập, đừng nói đến động đất. Chúng tôi không muốn trả giá sinh mạng mình cho những ngôi nhà TĐC kém chất lượng này, nên dựng lều ở để lỡ có đổ sập thì cũng đỡ thương tích nặng"- già Xí nói.
Khu tái định cư "nhiều không"
Chúng tôi bâng quơ suy nghĩ về những nhà sàn của đồng bào được làm đơn sơ nhưng người dân đã sống từ đời này sang đời khác, trong khi đó, nhà TĐC xây kiên cố, nhưng không ai dám ở.
Tại khu TĐC 3A hiện có gần 100 ngôi nhà xây và phần lớn đều bị người dân khóa cửa, bỏ hoang, hoặc chỉ dùng để cất đồ đạc, chất củi, cho trâu, bò trú ngụ vào ban đêm và lúc trời mưa. Những hiên nhà lát gạch men phủ đầy phân và nước thải trâu bò, bốc lên mồi hôi thối nồng nặc.
Chị Hồ Thị Lan (23 tuổi) một tay bế con nhỏ, một tay chỉ lên nóc nhà than phiền: Nhà TĐC không có sắt thép, toàn xây gạch, vữa. Động đất vừa qua làm cho đòn tay trên nhà bứt hết, toàn bộ hệ thống cửa gỗ, la phông đều bị hư hỏng, rớt xuống nền. Nhiều lúc mình muốn đem những miếng la phông này ra che chuồng gà, chuồng vịt…
Chị Lan cho biết thêm, bể nước được xây dựng to lắm, nhưng không hề có một giọt nước nào để sử dụng. Muốn có nước phải ra tận suối hơn 2km mới lấy được. "Nhưng khổ nhất là chúng tôi không có đất sản xuất, cũng không biết nghề gì để làm thêm. Từ khi chuyển đến khu TĐC này. dân chúng tôi khổ vô cùng…" – chị Lan lại lặp lại lời than này.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 còn lại tại các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Giác, cũng đều trong cảnh bị đồng bào bỏ hoang. Làm sao đồng bào có thể sống được khi những nơi này đều giống nhau ở chỗ không có nước sinh hoạt hoặc hệ thống cấp nước sinh hoạt liên tục bị hư hỏng, đất sản xuất rất hạn hẹp hoặc không có. Ở lại thì chết đói, chết khát, nhiều đồng bào buộc phải bỏ nhà hoang về lại quê cũ ở để kiếm kế sinh nhai.
No comments:
Post a Comment