Tuy nhiên, số hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn liên tục tăng qua các giai đoạn. Năm 2002, có khoảng 29 nghìn hộ thiếu hoặc không có đất ở, đến năm 2011 con số này đã tăng lên hơn 37 nghìn hộ. Cùng với đó, số hộ thiếu hoặc không có đất sản xuất năm 2002 là 113 nghìn hộ thì đến năm 2011 đã tăng lên 140 nghìn hộ. Ðến nay, vẫn còn hơn 300 nghìn hộ DTTS nghèo thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Ðiều này khiến một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, làm cho khoảng cách về thu nhập và chất lượng sống của đồng bào DTTS còn khá thấp so với những vùng khác. Ðặc biệt, việc thiếu đất ở, đất sản xuất đã khiến tình hình di cư tự do diễn biến khá phức tạp, trong đó một bộ phận không ít đồng bào DTTS di dân tìm nơi ở mới để có đất sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tình trạng này đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định xã hội.
Mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế. Thực tế cho thấy, do thiếu quỹ đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Trong khi đó, việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất đã được triển khai khá lâu, nhưng hiệu quả rất thấp. Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do thiếu quỹ đất nên sau bốn năm thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 – 2010, đến nay việc hỗ trợ đất sản xuất mới đạt 13,56% kế hoạch, và đất ở đạt gần 57% kế hoạch. Mặt khác, do thiếu vốn nên sau năm năm thực hiện chính sách định canh định cư cho đồng bào DTTS du canh du cư, đến nay mới định canh định cư được hơn 9.800 hộ, đạt 33% kế hoạch.
Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là do chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Khi Chính phủ ban hành một số chính sách, quy định về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì đã căn cứ vào các quy định của Luật Ðất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Song, thực tế thì việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn liên quan trực tiếp tới Luật Cư trú, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Doanh nghiệp. Hầu hết các luật này chưa quan tâm, thỏa đáng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, hoặc hạn chế tình trạng mất và thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS ngay ở quê hương mình.
Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho một bộ phận không nhỏ hộ DTTS nghèo ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhưng là việc làm hết sức quan trọng. Do vậy, Nhà nước cần tập trung mọi nguồn lực và sự thống nhất, đồng bộ về cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ, bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, góp phần giúp đồng bào DTTS có nơi ở ổn định, có việc làm và thu nhập, giải quyết căn bản tình trạng đói nghèo. Trước mắt, cùng với việc bố trí vốn cho các chương trình, chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thu hồi diện tích đất của các nông, lâm trường đang sử dụng kém hiệu quả để tạo quỹ đất giao cho các hộ đồng bào DTTS. Khi xem xét, sửa đổi Luật Ðất đai năm 2003 cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS trong lĩnh vực đất đai, trong đó có chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, cư trú tập trung theo cộng đồng. Khi ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, vùng DTTS, Nhà nước cần có sự ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các hộ và cộng đồng DTTS, ưu tiên giải quyết việc làm, chỗ ở cho đồng bào DTTS, bảo đảm đời sống ổn định và phát triển.
No comments:
Post a Comment