Trong 3 kênh đầu tư phổ biến nhất đối với nhà đầu tư cá nhân (bất động sản, chứng khoán, vàng) TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhận xét, hiện vẫn chưa có kênh đầu tư nào lóe sáng! Chưa có kênh đầu tư hấp dẫn Theo ông Lê Thẩm Dương, thị trường chứng khoán và bất động sản chưa thể khởi sắc trong năm nay khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Tất nhiên, nhà đầu tư có “nghề” thì vẫn có thể tìm thấy cơ hội cho riêng mình trên cả hai thị trường này. Điều đó thể hiện qua việc chứng khoán vẫn có giao dịch mua và bán, bất động sản cũng vậy. Riêng việc đầu tư vào vàng hiện nay quá mạo hiểm khi giá vàng trong nước đã tăng cao và luôn có sự chênh lệch từ 2-3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Giá vàng ngoài nước thì biến động khó lường. Thêm vào đó, giá vàng trong nước mang tính đầu cơ cao nên bản thân các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó dự báo được. Còn theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, trong những tháng cuối năm 2012, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều động lực tăng trở lại. Tuy nhiên, dù kinh tế đã có sự ổn định và khởi sắc, nhưng vẫn chưa đủ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước vẫn còn hạn chế do bị kẹt trong bất động sản và ngân hàng vẫn thận trọng trong việc cung cấp các khoản vay. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian tăng khá mạnh đã bớt hấp dẫn và cũng không có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Thị trường chứng khoán sẽ thiếu sức hấp dẫn của các cổ phiếu lớn và chưa thu hút được các nhà đầu tư mới tham gia, chưa tạo được dòng tiền đều đặn đổ vào thị trường. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ khó có sự tăng mạnh để vượt qua mức 500 điểm. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ xoay quanh mức 450 điểm vào cuối năm 2012. Việc thiếu hụt nguồn vốn và nhu cầu sụt giảm cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng và giá liên tục giảm. TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM) nhận xét, tâm lý nhà đầu tư khá bất an vì không biết đâu là giá trị thật của bất động sản. Đó là chưa kể những băn khoăn chính đáng như liệu căn hộ giảm giá có bị giảm chất lượng? Những dự án dang dở khi nào mới hoàn thành trong khi nguồn vốn từ ngân hàng cho vay bất động sản đã hạn chế? Tương tự, các dự án đất nền nếu chưa hoàn thành hạ tầng cơ sở, chưa giao sổ đỏ cho người mua thì càng khó giao dịch trên thị trường thứ cấp… TS Thuận cũng cho rằng, việc mua vàng lúc này là gánh rủi ro quá cao. Vì vậy, cần cân nhắc vì biên độ tăng giảm của vàng khá mạnh, những nhà đầu tư không muốn mạo hiểm thì đừng tham gia. Ưu tiên bảo toàn vốn Hầu hết các chuyên gia đều phân tích rằng, ở thời điểm hiện tại, khi kinh tế còn nhiều bất ổn thì đại đa số nhà đầu tư nên tính đến chuyện bảo toàn vốn hơn là tìm kiếm kênh đầu tư có lợi nhuận cao. Theo TS Nguyễn Văn Thuận, giữ ngoại tệ và gửi tiết kiệm có thể được xem là kênh bảo toàn vốn tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm giữ vững tỉ giá đồng USD biến động không quá 3% trong năm nay thì USD không phải là lựa chọn của nhiều người. Trong khi đó, với lãi suất gửi tiết kiệm ngắn hạn 9%/năm và nếu kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất 11 – 12%/năm thì nhiều người sẽ chọn kênh gửi tiền ngân hàng. Mức lãi suất này nếu so với lạm phát kỳ vọng cả năm nay là 7% thì sẽ đủ để bù vào mức trượt giá của tiền đồng Việt Nam. Đồng quan điểm về việc gửi tiết kiệm hiện nay vẫn là tốt nhất, ông Lê Thẩm Dương lập luận: Với tuyên bố giữ ổn định tỉ giá ngoại tệ thì sẽ khó có chuyện Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất huy động, vì khi đó nguy cơ dòng tiền chuyển hướng sang tích lũy ngoại tệ và vàng sẽ càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ của Chính phủ. TS Đinh Thế Hiển phân tích thêm, hầu hết các tổ chức và chuyên gia cho rằng, tỉ giá USD sẽ tăng trong phạm vi 3-5%. Như vậy, với sự chênh lệch lãi suất huy động giữa VND và USD từ 8-10% và chênh lệch lãi suất cho vay trong khoảng 6-12% thì gửi VND và vay USD sẽ có lợi hơn. Hơn nữa, hoàn toàn có thể xuất hiện một đợt tăng tỉ giá khá mạnh trong những tháng cuối năm nay, nếu lượng cung tiền đang được đẩy mạnh nhưng không thực sự đi vào khu vực tiêu dùng, sản xuất cũng như các hoạt động xuất khẩu không tăng tốt như kỳ vọng. Còn theo một chuyên gia tài chính tại TP HCM, với số tiền dưới 500 triệu đồng thì một nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng nên lựa chọn việc duy trì tiền mặt. Khi đó, nhà đầu tư nên lựa chọn ngân hàng có tiềm lực mạnh để gửi tiền mà không nên tham lãi suất cao, gửi tiền vào các ngân hàng quá yếu kém. Những nhà đầu tư có trên 500 triệu đồng thì có thể tạm thời chia ra từ 2-3 kênh, tránh “bỏ cả trứng vào một giỏ”. Đó là cách bảo toàn vốn tốt nhất trong tình hình hiện tại.
Saturday, September 22, 2012
Cuối năm: Bỏ tiền vào đâu?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment