Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Phan Thành Mai cho biết, với mức lãi suất 15%/năm của các ngân hàng thương mại vẫn là quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm hiện tại.
Theo báo cáo của 69 tổ chức tín dụng, tính đến đầu tháng 8/2012, đã có khoảng 71% các khoản vay cũ được hưởng mức lãi suất 15%/năm.
Tuy nhiên, ông Phan Thành Mai phân tích, các gói ưu đãi cho bất động sản của các ngân hàng thương mại hiện nay đưa ra 3 tháng đầu có lãi suất dưới 10%, sau đó là lãi suất thả nổi. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) các doanh nghiệp niêm yết chỉ là 8%. So sánh lãi suất cho vay và ROE nhận thấy: thời điểm cuối năm 2011, khi ROE của doanh nghiệp 25% thì lãi suất cho vay khoảng trên 20%. Như vậy lãi suất 15%/năm của ngân hàng thương mại vẫn là quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp hiện tại. Vì vậy, theo lời khuyên của ông Phan Thành Nam, để các doanh nghiệp có thể hoạt động để trả được lãi suất ngân hàng và giảm nợ xấu thì các ngân hàng thương mại cần suy xét giảm kỳ vọng lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, từ đó có các gói sản phẩm lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia kinh tế cho hay, trong bối cảnh này, lãi suất giảm cũng khó có thể trợ giúp được doanh nghiệp bất động sản nếu họ không có giải pháp giải quyết hàng tồn kho.
Trong khi đó, từ phía các nhà đầu tư đơn lẻ, để tiếp cận với mức lãi suất 15% không phải là đơn giản. Hiện tại, với những người cần vay tiền thanh toán mua nhà, việc chứng minh tài chính, khả năng thu nhập là rào cản lớn nhất.
Chị Thục Anh (phố Trung Hòa) cho biết, kinh doanh bất động sản là nghề tay trái của vợ chồng chị từ 10 năm nay. Tuy nhiên, do không trường vốn nên vợ chồng chị phải vay ngân hàng để kinh doanh. Những năm trước, khi thị trường sôi động, việc vay tiền ngân hàng để kinh doanh bất động sản vẫn mang về khoản lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản tụt dốc, khoản vay ngân hàng trở nên nặng gánh kèm theo đó là thủ tục vay vốn được xiết chặt, các khoản tài sản đảm bảo cho khoản vay cùng chứng minh thu nhập đủ trả lãi cũng bị siết chặt. “Khi vay tiền ngân hàng, ngoài tài sản đảm bảo có giá trị lớn, tôi còn có hợp đồng thuê nhà để chứng minh khả năng trả gốc và lãi nên việc tiếp cận nguồn vốn vay không khó. Trong khi đó, nhiều bạn bè cùng kinh doanh lĩnh vực này, đã có người phải phát mãi tài sản để trả nợ ngân hàng” – chị Thục Anh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư phát triển Nhà Vĩnh Phúc lại đề xuất, thay vì dồn vốn cho các chủ đầu tư, những người kinh doanh bất động sản như trước đây, Nhà nước nên ưu tiên chính sách cho người mua nhà vay vốn với lãi ưu đãi để kích thích thị trường bất động sản.
Còn trong bản tổng hợp ý kiến của các ngân hàng thương mại vừa được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) gửi tới Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), VNBA cho rằng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xử lý khối lượng hàng tồn kho lớn, đặc biệt có các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, giải tỏa vốn vay ngân hàng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thông qua chính sách hoãn, giãn thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hoặc bảo lãnh của nhà nước khi vay vốn.
Thanh Châu
No comments:
Post a Comment