Thursday, September 20, 2012

Núi trong lòng đất


Bạn đọc bây giờ rất nhiều người không biết Thanh Châu là ai, nhưng đối với lứa chúng tôi, Thanh Châu là một tác giả thân thuộc. Còn nhớ 13 tuổi trước Cách mạng Tháng Tám, tôi thường từ nhà chạy bộ ra ga cách làng 3 cây số, đón mua báo Tiểu thuyết thứ Bảy chở theo tàu hỏa, nhiều buổi chưng hửng về không. Có được số báo nào, chúng tôi chuyền tay nhau đọc, hoặc mượn đọc bằng kẹo vừng, hoặc bánh khảo Hải Dương. Trong đó không bao giờ chúng tôi bỏ qua các truyện ngắn của Ngọc Giao, Thanh Châu. Truyện ngắn “Hoa ti-gôn” của Thanh Châu chúng tôi học thuộc lòng những câu văn mà ông tả mỗi bông hoa có một số phận (bông vào nhà đài các khoe hương sắc trong lọ pha-lê, bông thì sẽ nằm trên nghĩa địa cô đơn), đời hoa cũng y như đời người. Về sau lại thấy truyện ngắn “Hoa ti-gôn” biến thành bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của tác giả T.T.Kh. Bài thơ tả cái tình của một người con gái đã có chồng nhớ về một người yêu đầu mỗi khi nhìn thấy hoa ti-gôn. Người ấy thường hay vuốt tóc tôi / Thở dài trong lúc thấy tôi vui / Bảo rằng hoa giống như tim vỡ / Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi. Bài thơ đã đi vào tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi cho mãi đến ngày nay. Ai cũng biết bài thơ là từ truyện ngắn của Thanh Châu mà ra, nhưng truyện ngắn thì nhiều người quên, còn bài thơ thì truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nửa thế kỷ qua, chưa ai điều tra ra T.T. Kh. là ai, hỏi Thanh Châu ông bảo cũng không biết, dù người ta đã nhiều lần hỏi trên báo. Điều bí ẩn về tác giả bài thơ làm cho truyện ngắn “Hoa ti-gôn” lung linh như huyền thoại.

Ngồi trong phòng họp, tôi lặng lẽ nhớ về Thanh Châu với quẻ Địa Sơn Khiêm, mệnh đời của ông. Ông sinh giờ Mão ngày 17.9 âm lịch  năm Nhâm Tý (1912). Thuở ấy nhiều người cùng thời, trong đó có các nhà văn, thường lấy ngày âm lịch khai sinh như ngày dương lịch. Địa Sơn Khiêm có tượng là núi chìm trong đất. Núi cao mà phải lún mình trong đất, đây là tượng của sự khiêm nhường. Quả nhiên, tất cả những người trên diễn đàn đều nhắc đến tính khiêm nhường khác thường của Thanh Châu. Nhưng đặc điểm quẻ Khiêm là nhún nhường không phải để lùi bước, chịu thua người, mà là để “qua sông lớn”. Theo nhà nghiên cứu văn học Phong Lê, Thanh Châu thuộc vào một thế hệ vàng của thế kỷ hai mươi, đưa văn chương Việt lên một tầm cao mới, thoát khỏi những câu văn du dương, biền ngẫu, pha trộn chữ Hán của thời kỳ đầu thế kỷ, làm thành cái đẹp giản dị, hiện đại, của lời nói thường. Riêng với Thanh Châu, tính số lượng tác phẩm, ông không viết nhiều như các đồng nghiệp đương thời (như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Bùi Hiển…), nhưng đọc văn ông thấy sang trọng, rung động, giản dị, thanh khiết, ngấm một dư vị buồn, trong dang dở, ngang trái, cô đơn. Đó là cái làm nên một Thanh  Châu, khác với các đồng nghiệp cùng thời. Để biết thế nào là văn chương một thời Địa Sơn Khiêm, núi trong lòng đất, mời bạn đọc thưởng thức một đoạn văn ngắn sau đây, Thanh Châu, trong tư thế một phóng viên chiến thắng tả những người lính Pháp, Âu tù binh sau khi thua trận Điện Biên Phủ được đưa về thị xã Thanh Hóa, sau đó sẽ chuyển về biển Hải Thôn (Sầm Sơn) để hồi hương.
“Biển là hy vọng, là hứa hẹn, là hạnh phúc được về quê cũ. Nên không khí trong các lán tù binh vui nhộn khác thường. Những chú lính trẻ đã thân đi tìm tôi để chia tay. Đó là Milô Giăng có nghề làm bánh mì ở Lo-ren kiên quyết trở về với nghề làm bột cũ. Ben Mát-su có gia đình nghề may ở Ma-rốc. Rồi Bô-ri-vơ kẻ biển hàng quảng cáo. Rồi Pi-e Ra-be vốn thợ nề ở Mông-blăng. Riêng Hênh Ren-nơ còn vợ chưa cưới vẫn đợi chờ “nếu anh còn sống” trở về Tây Đức… Ai nấy đều vội vã. Trong lán Âu Phi, mọi người cuống lên vì chưa xin được huy hiệu có hình Hồ chủ tịch. Lính da trắng kiểm lại những thứ mang theo làm kỷ niệm. Chỉ là một ống bương có khắc tên mình và tên đồng đội. Hay chiếc nón lá, chiếc mũ nan, quanh vành mũ chi chít những chữ ký bạn bè có ghi ngày tháng đã trải qua từng trận, từng địa danh, từng đơn vị. Tôi đã lắc đến mỏi tay những bàn tay từ biệt, những bàn tay không cầm súng. Với ý thức không bao giờ còn thấy cảnh này. Với những người này”. (“Tổng tập nhà văn quân đội”, tập 3. NXB Quân đội nhân dân, Tr. 315).



No comments:

Post a Comment