Thursday, September 20, 2012

Sớm khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm độc


Khu chung cư và nhà liền kề N01, N02, N03, N04, N05 thuộc dự án nhà để bán của Công ty cổ phần Ðầu tư bất động sản Hà Nội (thuộc Tổng công ty Ðầu tư và phát triển nhà Hà Nội) ở thôn Phú Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 2007. Nguồn nước giếng khoan phục vụ việc xây dựng công trình tiếp tục được làm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho các tòa nhà. Chị Ngô Thị Hà (ở phòng 608 nhà N01) cho biết, thời gian đầu, nước khá sạch. Nhưng đến năm 2008 nước xuất hiện lắng cặn, chuyển vàng, khi uống thì có vị hơi lờ lợ. Các hộ dân ở đây đã nhiều lần làm công văn đề nghị chủ đầu tư xử lý tình trạng này. Trước những yêu cầu liên tiếp của người dân, phía chủ đầu tư đã cho thau rửa bể chứa nước, nhưng chỉ vài ngày sau, nước lại nhiễm bẩn trở lại. Suốt năm năm trời phản ánh, phía công ty mới thay lớp cát lọc trong trạm xử lý nước và cho sục đường ống phân phối nước vào từng gia đình. Phải đến khi anh Nguyễn Minh Thành ở phòng 401, nhà N01 đem nước đi xét nghiệm tại Viện Hóa học, Phòng Hóa môi trường (18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), kết quả nước bị nhiễm a-sen gấp 37 lần cho phép đã khiến tất cả người dân khu chung cư vô cùng lo lắng. 

“Ai cũng nghĩ đơn giản là nước bẩn do lọc không sạch, chứ không thể ngờ được là bị nhiễm a-sen cao đến thế. Nhiều chị đang nuôi con nhỏ nghe kết quả xong đã choáng váng, ngất xỉu” – chị Hà kể lại. Cư dân ở khu chung cư này chủ yếu là các gia đình trẻ đang nuôi con nhỏ. Chị Hoàng Thị Lương ở phòng 407 nhà N01, bức xúc: “Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn sử dụng nguồn nước này để pha sữa, nấu ăn cho cả nhà. Nếu các con tôi có vấn đề gì về sức khỏe thì chúng tôi sẽ ân hận lắm”. Ðược biết, ở khu chung cư này đã có ba người bị ung thư, trong đó có một người mới ngoài 20 tuổi. Mẹ con nhà chị Hà (ở phòng 801 nhà N01) thì bị sùi da chỗ bàn chân và cùi trỏ tay, bác sĩ kết luận là do nhiễm độc a-sen.  

Trước phản ứng  của người dân, chủ đầu tư đã tiến hành họp với đại diện các hộ dân. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư kiên quyết không công nhận kết quả xét nghiệm nước. Cuộc họp kéo dài đến hơn 12 giờ đêm chỉ đi đến thỏa thuận, sáng ngày 11-9, đại diện của cả hai phía sẽ cùng nhau lấy mẫu nước ở trạm bơm đem đi xét nghiệm cho khách quan. Nhưng tối 10-9, phía công ty lại thuê người mang bốn thùng hóa chất đến trạm bơm đổ vào nước. Anh Ðỗ Tiến Trường ở phòng 602 nhà N01 cho biết: “Họ lén lút đổ hóa chất để giảm hàm lượng a-sen trước khi lấy mẫu đi xét nghiệm, hòng làm sai kết quả để tiếp tục lừa dối người dân”. Ðại diện Công ty cổ phần Ðầu tư bất động sản Hà Nội đã thừa nhận hành động nêu trên. Sau đó, trạm cấp nước bị niêm phong, phía chủ đầu tư phải mua nước sạch của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) chuyển đến bằng xe bồn, cung cấp cho các hộ dân.

 Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư bất động sản Hà Nội Mai Hoàng Anh cho biết, trạm xử lý và cung cấp nước cho các hộ dân được xây dựng đúng thiết kế, được UBND thành phố phê duyệt, đưa vào sử dụng ổn định từ năm 2007. Phía công ty cho rằng, kết quả xét nghiệm của người dân là chưa khách quan và không thừa nhận kết quả đó. Tuy nhiên, công ty sẽ tiến hành đấu nối với nguồn nước sạch của thành phố theo đúng nguyện vọng của người dân. Trưởng Ban đại diện lâm thời cụm dân cư Tô Minh Kiên cho biết: “Trước sức ép từ phía các hộ dân, chủ đầu tư đã làm việc với bên Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch, nhưng họ yêu cầu mỗi hộ dân đóng góp thêm ba triệu đồng. Nhưng chúng tôi không đồng ý với phương án nêu trên bởi trong hợp đồng mua nhà có điều khoản chủ đầu tư phải cung cấp nước sạch đến từng căn hộ”. Hiện tại, công việc chuẩn bị vật liệu xây dựng để lắp đặt đường ống truyền dẫn nước đang tiến hành, tuy nhiên, vấn đề chi phí giữa hai bên vẫn chưa được thống nhất.

Ðây không phải lần đầu người dân ở các khu chung cư trên địa bàn thành phố phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt do chủ đầu tư cung cấp bị nhiễm bẩn nhưng dường như, việc khắc phục chưa giải quyết thỏa đáng. Suốt mấy năm nay, các hộ dân thuộc diện giải tỏa ở khu vực nhà gỗ phố Vọng Hà (phường Chương Dương) tại khu tái định cư B3, B4, B5 ở thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) phải sử dụng nguồn nước giếng khoan vàng khè, lắng cặn, lẫn cả rêu đất. Trong khi đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước sông Ðà được lắp đặt ngay sát cạnh khu tái định cư, nhưng người dân khu tái định cư này vẫn phải dùng nước giếng khoan nhiễm bẩn. Tình trạng kéo dài chỉ vì phía chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và đơn vị cung cấp nước sạch không thống nhất được với nhau trong việc phối hợp đấu nối đường ống nước. Khi người dân phản ánh thì phía doanh nghiệp quản lý chỉ thực hiện xử lý đơn giản như thau rửa, dùng hóa chất khử, không bảo đảm cung cấp nước sạch lâu dài. Người dân bức xúc, than khổ nhưng chính quyền địa phương lại khó can thiệp. Nguyên nhân là do phía chủ đầu tư thường chậm bàn giao công trình cho chính quyền quản lý vì tiếp tục muốn khai thác các nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng, cung cấp các dịch vụ…

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người dân. Các doanh nghiệp xây dựng, quản lý các khu chung cư cần giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, cung cấp đủ số lượng, chất lượng nước sinh hoạt cho các hộ dân, cũng như các dịch vụ thiết yếu khác trong các khu chung cư, bảo đảm an sinh xã hội. 



No comments:

Post a Comment