Friday, September 21, 2012

Thế giới tuần qua: Bất đồng và mâu thuẫn còn rất lớn


Xung đột Trung – Nhật về hòn đảo tranh chấp đang leo thang (Ảnh: CNN)

Cuộc biểu tình bạo động tấn công toà đại sứ Mỹ bắt đầu từ Ai Cập, nhanh chóng lan khắp thế giới Hồi giáo, chỉ vì một cuốn phim thô sơ chiếu trên hệ thống you tube. Cuốn "Innocence of  Muslims" bị hầu khắp thế giới Hồi giáo lên án là báng bổ Đấng Tiên tri Mohammad của đạo Hồi.

Trước đây đã có tác phẩm The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satăng) của  nhà văn người Anh Salman Rushdie xuất bản năm 1988 cũng gây náo động trong thế giới Hồi giáo, tác giả bị Ayatollah Hồi giáo Iran lên án tử hình, tác giả phải trốn lánh, nhờ giải phẫu thẩm mỹ thay đổi cả diện mạo, mãi đến gần đây mới "được tha". Tuy nhiên không vì quyền sách bị lên án đó mà nổ ra những cuộc biểu tình bạo động lan rộng và dữ dội như lần này. 

Sự xung khắc giữa thành phần cực đoan Hồi giáo, nếu không nói là nhiều người Hồi giáo ở nhiều quốc gia Trung Đông và  Nam Á, với Mỹ trở nên sâu đậm hơn. Vì thế cuốn phim "Innocence of Muslims" đã trở thành lý cớ làm bùng nổ phong trào chống Mỹ dữ dội.

Nhưng giữa lúc "lửa rừng còn cháy bừng bừng"  thì tờ tuần báo hài hước Charlie Hebdo của Pháp lại đăng 4 bức tranh hí hoạ  vẽ giáo chủ Mohammad một cách giễu cợt. Cộng đồng Hồi giáo Pháp tức giận lên án tờ báo. Quả nhiên, biểu tình chống Pháp, đòi giết người Pháp, người Mỹ đã nổ ra từ Kabul (Afghanistan), Tehran (Iran) đến nhiều nước châu Á có đông tín đồ Hồi giáo. Chính phủ Pháp lập tức tăng cường an ninh cho toà báo, cho thủ đô Paris và đóng cửa 20 toà đại sứ, lãnh sự ở nhiều quốc gia.            

* Căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước lớn ở châu Á  là Trung Quốc và Nhật Bản liếp tục leo thang sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo nước giữa biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tại trung Quóc làn sóng bài Nhật làn rộng với các cuộc biểu tình tại hơn 100 thành phố thị trấn, gây quan ngại cho các nhà đầu tư, kinh doanh Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc.

 Không những thế, Trung Quốc còn cho tàu đánh cá, tàu hải giám đến các vùng biển quanh quần đảo đang tranh chấp. Phía Nhật Bản cũng đáp lại bằng các động thái nghiêm khắc cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự. Giữa lúc quan hệ Nhật – Trung căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lại đến thăm hai nước này. Mặc dù Bộ trưởng Panetta kêu gọi hai nước Trung, Nhật kiềm chế tìm giải pháp đối thoại, song nhiều nhà phân tích lại cho rằng sự có mặt ngày càng lớn của người Mỹ tại khu vực này, sau khi Mỹ "chuyển hướng sang châu Á', khiến quan hệ Nhật – Trung tiếp tục căng thẳng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu làn sóng bài Nhật nhuốm màu bạo lực tiếp diễn và không được kiểm soát, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác. Khi đó không chỉ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng, mà thương mại song phương Trung – Nhật cũng sẽ bị tác động mạnh. Bởi, chỉ riêng năm 2011 Nhật Bản đã đầu tư số tiền lên đến 342,9 tỉ USD vào Trung Quốc.

* Chiều 18/9, tại trụ sở chính ở thành phố New York, Đại hội đồng LHQ khóa 67 đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của các đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

Phát biểu trong buổi lễ này, Chủ tịch khóa họp 67 ĐHĐ LHQ Vuk Jeremic (nguyên Ngoại trưởng Cộng hòa Serbia) bày tỏ hy vọng khóa họp này sẽ có những đóng góp to lớn và quan trọng vào việc củng cố hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Ông kêu gọi các nước thành viên LHQ trong thời gian một năm của khóa họp, sẽ tập trung thảo luận để tìm biện pháp giải quyết mọi cuộc tranh chấp và xung đột trên phạm vi toàn cầu bằng biện pháp hòa bình.

Trên cơ sở xác định mục tiêu như vậy, trong tổng số 170 đề mục đã được thông qua trong chương trình nghị sự của ĐHĐ khóa 67, những vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh toàn cầu sẽ là chủ đề bao trùm, vì nó là cơ sở để bảo đảm sự ổn định chung, là điều kiện tối cần thiết để thúc đấy phát triển kinh tế thế giới và những tiến bộ xã hội phục vụ con người. Ngoài ra, các vấn đề quan trọng khác, như giải trừ quân bị; đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và con người nói chung; đấu tranh chống khủng bố, chống tội phạm; bảo vệ môi trường, và những vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế, xã hội,v.v cũng sẽ được ĐHĐ khóa 67 tập trung thảo luận và thông qua các nghị quyết tương ứng.

Về kinh tế, sự kiện nổi bật trong tuần là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tung ra gói kích thích mới được gọi là Gói nới lỏng định lượng lần thứ 3 (gọi tắt là QE3). Theo kế hoạch kích thích kinh tế mới, ngay từ ngày 14/9/2012, FED khởi động chiến dịch mới mua lại các trái phiếu có liên quan tới thế chấp bằng bất động sản (MBS).

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sử dụng công cụ tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Sau cơn lốc Lehman Brothers đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính khủng khiếp nhất trên hành tinh suốt hơn 60 năm qua, vào cuối tháng 11/2008, FED đã nhanh chóng hành động khi bơm 1.700 tỷ USD (QE1) để mua trái phiếu kho bạc nhằm ngăn chặn một biến cố toàn cầu. Hai năm sau đó, tháng 8/2010, khi những tác động của “liều thuốc giải” đầu tiên bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, Chủ tịch FED Bernanke lại khởi động chương trình mua tài sản thứ hai (QE2) với 600 tỷ USD trong kế hoạch hoán đổi trái phiếu đầy tham vọng. Vì thế, thị trường toàn cầu đã nức lòng với chiến dịch giải cứu tăng trưởng mới nhất của cường quốc số 1 thế giới.

Việc Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế mới cho thấy nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vẫn đang trầy trật phục hồi và nó có thể tác  động lớn đến tiến trình phục hồi chậm chập của kinh tế thế giới sau khủng hoảng./.

Nguyễn Chiến



No comments:

Post a Comment