Giải pháp từ ngân hàng…
Theo BIDV, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ, thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp, yêu cầu các chủ đầu tư giảm giá bán và hỗ trợ thuế cho nhà xã hội.
Báo cáo của BIDV nhấn mạnh: Các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường cần được ban hành, triển khai ngay từ cuối, qua đó định hướng và tạo tâm lý ổn định cho thị trường, nhà đầu tư và người có nhu cầu mua nhà.
Đối với nhóm giải pháp quản lý Nhà nước, Ngân hàng này đề xuất với Chính phủ cần có Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), cũng như sửa đổi nghị định quản lý thị trường BĐS; xác định phân khúc nhà ở trung bình thấp đáp ứng đông đảo người dân để xử lý trước, xong phân khúc thị trường này mới tiếp tục xem xét tháo gỡ cho các phân khúc thị trường khác.
BIDV cũng kiến nghị, Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đối với các chủ đầu tư dự án và được giữ nguyên nhóm nợ như trước khi thực hiện cơ cấu; xem xét chấp thuận việc thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia để xử lý vấn đề nợ xấu.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách tín dụng theo hướng không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng…
Đối với nhóm giải pháp kích cầu thị trường, theo BIDV, Chính phủ cần tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội, qua đó là kênh trung gian kích thích thị trường; trong đó hướng đến việc Nhà nước hỗ trợ cho người mua nhà với lãi suất thấp khoảng 6 -7%/năm, Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi.
Song song đó, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư; các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội.
Ngoài ra, với mảng nhà ở thương mại, BIDV cho rằng, phải giải quyết lượng hàng tồn kho hiện tại bằng cách cho phép chủ đầu tư cơ cấu lại diện tích nhà ở, chuyển đổi công năng sang phân khúc khác như bệnh viện, trường học…; cho phép chuyển nhượng một số dự án kinh doanh BĐS cho nhà đầu tư nước ngoài với cơ chế quản lý, giám sát riêng để thu hút nguồn lực.
BIDV cũng đề nghị giảm các loại thuế liên quan như VAT, TNDN; áp dụng mức thuế TNDN thấp cho các dự án nhà ở xã hội… cho phép chủ dự án nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ đồng thời tiếp tục hỗ trợ vốn cho các dự án sắp hoàn thành để sớm đưa sản phẩm tiêu thụ, tạo nguồn vốn trả nợ ngân hàng.
Để hiện thực hóa những giải pháp trên, mới đây BIDV đã ký kết hợp tác với Bộ Xây dựng đưa ra gói tín dụng phát triển nhà xã hội với số vốn cam kết là 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 – 2015. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục triển khai gói tín dụng 4.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân mua nhà.
… Đến giải pháp tù chuyên gia
Trong khi đó, "Triển vọng thị trường BĐS Việt Nam 2013" cũng đã được bàn đến tại một hội thảo xảy ra vừa mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, với mục đích giúp các DN và nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về thị trường BĐS trong năm qua, và triển vọng phát triển trong năm 2013 để có định hướng những chiến lược phù hợp với điều kiện mới.
Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Võ Hồng Lan, Viện Nghiên cứu Lập pháp cùng cho rằng, thị trường BĐS năm 2012 về cơ bản là trầm lắng. Năm 2013, thị trường sẽ có những biến động, tuy nhiên, xu thế chủ đạo là không rõ rệt. Nguồn vốn đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng có thể giải ngân lớn trong những tháng cuối năm nay và trong năm 2013; nguồn đầu tư nước ngoài có triển vọng vận hành vào Việt Nam với dung lượng lớn; nguồn kiều hối vào nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, có thể đạt mức 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nếu có chính sách phù hợp, sẽ có một nguồn vốn bổ sung khá tốt vào BÐS từ nguồn tích trữ vàng trong nội bộ nền kinh tế. Các công cụ tài chính cũng đã bắt đầu được đưa vào vận hành trong thực tiễn thị trường BĐS…
Tuy nhiên, các tín hiệu không thuận lợi vẫn tồn tại, nhìn chung thị trường có thể đi lên ở một số mảng nhưng trên bình diện tổng thể, vẫn không có chuyển biến lớn.
Chủ tịch ThuDuc House, Lê Chí Hiếu kỳ vọng đến giai đoạn giữa năm 2013, các chính sách kích cầu và ổn định kinh tế của Chính phủ bắt đầu cho thấy hiệu quả, đồng thời quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới đi vào ổn định và vấn đề nợ xấu sẽ giảm dần. Khi nền kinh tế có dấu hiệu khả quan, thu nhập người dân tăng lại thì niềm tin tiêu dùng và đầu tư mới được củng cố, dòng tiền sẽ bắt đầu quay lại thị trường BĐS.
Quan điểm của TS. Đinh Thế Hiển đánh giá năm 2013, BĐS sẽ có thể đi vào chu kỳ tăng trưởng mới. Việc Chính phủ đang có những động thái hỗ trợ tích cực về lãi suất cho DN là minh chứng cho việc BĐS sẽ từng bước phục hồi trong hai năm 2013 – 2014.
Để có thể thúc đẩy thị trường vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nhiều ý kiến cũng cho là việc làm của nhiều bên hữu quan, giải pháp cần được triển khai đồng bộ, nguồn lực phải được khơi dậy.
Theo đó, những giải pháp lớn cần được tích cực triển khai là: Tái cấu trúc mạnh mẽ và toàn diện thị trường BĐS; tạo lập nhiều kênh dẫn vốn cho thị trường này; cải thiện tình hình kinh tế, ổn định các nền tảng kinh tế; hoàn thiện khung pháp luật đất đai; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…
Trong bối cảnh hiện nay, việc nắm bắt được nhu cầu thực của thị trường sẽ giúp các DN có chính sách tái cơ cấu dòng sản phẩm và điều chỉnh chiến lược kinh doanh hợp lý.
Các DN cần phải tiến hành phân tích thị trường, đưa ra chiến lược phát triển, và tung ra dòng sản phẩm phù hợp, đồng thời cần phân bổ nguồn vốn hợp lý, có tầm nhìn chiến lược dài hạn…
No comments:
Post a Comment