Giao cho dân bao nhiêu đất họ cũng nhận, nhưng thu hồi lại rất khó. Nên tính thuế đất kiểu lũy tiến như tiền điện. Ai thực sự có khả năng làm lợi từ đất mới dám ‘ôm’ nhiều!
“Kỳ án” phá rừng để… trồng rừng
Đền bù đất theo giá thị trường nào?
Làm chính quyền cũng khổ!
Đất đai ký sự: Những tỷ phú hoang mang
Ông Đinh Đăng Điện, Chủ tịch Huyện Kỳ Sơn đưa ra những ý tưởng về quy hoạch và sử dụng đất đai từ góc độ một người quản lý.
Việc sử dụng và quản lý đất đai của ta hiện nay phải nói là còn vô vàn những bất cập. Tôi đơn cử một việc đơn giản là đo đạc: chúng ta chưa có những số liệu đầy đủ và chính xác các diện tích đất đang được sử dụng, nên vẫn chủ yếu dựa vào những số liệu chưa thật chuẩn xác của các lâm trường, toàn tính nôm na kiểu “con dao quăng”.
Trên quyền sở hữu thì có sự không đồng nhất: tổng thể là đất của lâm trường, nhưng trong các văn bản giao đất cụ thể thì giao về từng hộ dân. Khi xảy ra tranh chấp rất phức tạp.
‘Ông Đinh Đăng Điện, Chủ tịch Huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hoàng Hường
Đất là công thổ quốc gia, khi giao cho người dân sử dụng, khi thu hồi về Nhà nước lại phải bồi thường, mà số tiền không hề nhỏ, chiếm đến 40-50% kinh phí dự án là điều hết sức vô lý. Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có cách quản lý như vậy. Lỗi là do Nhà nước chứ không phải do dân. Phải thay đổi!
Theo tôi, phải thay đổi Luật từ cách giao đất sao cho có hiệu quả. Nhà nước giao đất cho dân là để tạo điều kiện cho người ta sản xuất phát triển, làm ra sản phẩm, nhưng nếu họ không làm được thì phải thu hồi. Và phải nghiên cứu điều chỉnh những quyền mà người dân được làm với phần đất được giao đó.
Hiện nay người sử dụng đất đã có biểu hiện nhận đất được giao, không làm được thì bán, cho thuê.. hoặc cầm cố quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng. Nếu khi họ phá sản, ngân hàng phát mại mảnh đất đó là Nhà nước mất, về phương diện quản lý thế là sai.
Luật có quy định chỉ những người làm nông nghiệp mới được mua, thuê lại đất nông nghiệp để sản xuất, nhưng trên thực tế kiếm soát được điều này dường như không thể. Người ta hoàn toàn có thể nhờ người đứng tên, hoặc cấp xã chứng nhận ẩu một chút là được.
Giao đất cho người dân thì bao nhiêu họ cũng nhận, nhưng nhận rồi có canh tác sản xuất ra sản phẩm được không phải ai cũng làm được. Nhiều người nhận rất nhiều đất rồi để hoang hóa, nhưng Nhà nước thu hồi lại rất khó, rất phức tạp.
‘Tính thuế đất như tính giá điện’, có phải là giải pháp tốt để tháo gỡ
tình trạng sử dụng đất mất kiểm soát hiện nay? Ảnh: Hoàng Hường
Theo tôi Luật phải quy định giao đất theo hạn điền, 10 năm, 20 năm… sao đó. Sau hạn điền đó Nhà nước bắt đầu tính thuế, cách tính thuế lũy tiến theo cách tính tiền điện. Ví dụ: 2ha đất đầu tiên là X đồng, 2ha thứ hai = X +1, 2ha thứ ba = X + 2… Như vậy, sẽ không có người nào cố tình ‘ôm’ nhiều đất để đó hoang hóa mà chịu thuế cao. Chỉ những người thực sự làm ăn giỏi, tạo ra lợi nhuận từ đất mới thuê được. Người không làm ăn được sẽ phải tự động trả đất lại cho Nhà nước.
Phần thứ hai là đất 5%, được coi là đất dữ trữ của Nhà nước, do chính quyền địa phương tạm quản lý, cũng cần phải được quy định rõ ràng nên được sử dụng trong trường hợp nào, cho những đối tượng nào. Những người sinh sau, đi nghĩa vụ quân sự về… được hưởng chế độ nào trong việc giao đất sử dụng không?
Hiện nay Hòa Bình có 8 khu công nghiệp, thì 2 khu ở Kỳ Sơn, chiếm khoảng hơn 400ha đất. Nếu nói thẳng băng, không có nhà đầu tư vào thì địa phương không bao giờ phát triển được, mà công nghiệp mới phát triển, còn nông nghiệp chỉ đủ ăn đã là giỏi. Việc những khu công nghiệp, nhà máy dù do Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì Nhà nước đều phải bỏ tiền ra quy hoạch, làm sạch rồi kêu gọi đầu tư.
Hoàng Hường ghi
No comments:
Post a Comment