Sunday, December 23, 2012

Bất động sản phát sinh nhiều tranh chấp 'nảy lửa”

(VnMedia)Giá bất động sản giảm mạnh, áp lực tài chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bùng nổ các vụ kiện tung, tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng. Trong đó, nổi lên là sự chậm trễ tiến độ, vi phạm các cam kết hợp đồng.

Dự án Splendora: Khách hàng khiếu nại vì đội giá

Bỏ ra cả chục tỷ đồng tiền chênh để mua được 1 căn nhà tại dự án khu đô thị Splendora (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn, bất động sản giảm giá, chủ đầu tư "vặt vẽo" khách hàng bằng việc đưa ra cách tính chênh lệch tỷ giá, tham chiếu chỉ số CPI. Việc này khiến giá bán tiếp tục bị đội lên khoảng 800 triệu đồng -1,5 tỷ đồng/căn.

Quá bất bình, hàng trăm khách hàng mua nhà tại đây đã khiếu nại chủ đầu tư suốt thời gian dài. Tuy nhiên, phía An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Splendora kiên quyết khẳng định đã hoàn toàn làm đúng pháp luật. Sự chênh lệch giá giữa hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cũng cho rằng không hề sai do thỏa thuận trước đó với khách hàng là thỏa thuận góp vốn chứ không phải là thỏa thuận mua bán.

Ảnh minh họa

Cũng theo chủ đầu tư, giá bán trong hợp đồng mua bán với khách hàng được niêm yết bằng VNĐ, và còn ấn định khoản tiền cụ thể cho từng lần thanh toán. Việc này cũng đã được khách hàng chấp thuận thông qua việc ký hợp đồng mua bán.

Tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án Splendora đã kéo dài 3 tháng nay mà vẫn chưa đi đến được thỏa thuận chung.

Nhiều dự án bán nhà trên giấy bị đòi rút vốn

Việc chủ đầu tư huy động vốn, vay vốn của khách hàng nhưng không triển khai dự án đã khiến nhiều khách hàng đồng loạt xin rút vốn.

Đơn cử, như dự án Dự án 409 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nhà Vĩnh Hưng và Công ty Cổ phần Megastarland đầu tư đã tiến hành huy động vốn của khách hàng từ 11/2009, nhưng đến nay dự án vẫn trơ cọc sắt hoen gỉ.

Quá thời gian vay vốn vài năm mà không thấy dự án triển khai, rất nhiều khách hàng đã đến làm việc với chủ đầu tư để đòi lại tiền nhưng đều không được vì chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tương tự, dự án chung cư  Hà Nội Times Tower (Hà Đông, Hà Nội) do công ty Công ty CP Kinh doanh cao cấp dầu khí (PVR) làm chủ đầu tư cũng đối mặt với việc hàng chục khách hàng đòi rút vốn.

Theo đó, chủ đầu tư  đã tiến hành thu 15 % giá trị căn hộ (giao động ở mức 370 – 400 triệu đồng) đối với hàng trăm khách hàng từ cuối năm 2010. Theo tiến độ ghi trong hợp đồng góp vốn, đến tháng 10/2012, chung cư CT10, CT11sẽ hoàn tất phần thô với 29 tầng hầm và 39 tầng nổi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn đang ở giai đoạn làm móng. Kể từ khi ký hợp đồng góp vốn, khách hành đã nhiều lần yêu cầu PVR giải thích rõ lý do chậm tiến độ, đồng thời hối thúc PVR đẩy nhanh tốc độ thi công nhưng đều không nhận được thái độ phản hồi tích cực từ phía chủ dự án Hanoi Time Tower.

Không hài lòng với tiến độ thi công của PVR, khách hàng dự án Hanoi time tower kiến nghị chủ đầu tư hoàn trả tiền góp vốn do những vi phạm cam kết về tốc độ thi công dự án đã ký với khách hàng.

Những dự án bất động sản ngoại "tai tiếng"

Không chỉ những dự án nội bị ảnh hưởng bởi thị trường khó khăn, ngay cả những dự án hoành tráng "mác nhà đầu tư ngoại" vẫn đắp chiếu, cỏ mọc um tùm…

Rầm rộ đầu tư dự án tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư ngoại đã sớm bộc lộ những yếu kém khiến dự án dở dang hay vẫn còn nằm trên giấy.

Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội do công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) – công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex – Hoàng Thành từng được biết đến là dự án đình đám.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ khi khởi công năm 2010 đến nay, dự án vẫn trong tình trạng um tùm cỏ mọc. Giai đoạn I của dự án mới chỉ xong phần móng, không có bóng dáng một công nhân nào, tiến độ thi công đang giậm chân tại chỗ.

Trước đó, dự án được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, ngay buổi mở bán đợt đầu, hàng nghìn người mua đã có mặt dù chỉ có 50 suất, đồng thời phải chấp nhận mua lại với giá chênh 1,2-1,5 tỷđồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỷ đồng. Sau đó, mức chênh lệch còn được đẩy lên đến 3 – 5 tỷ đồng/lô, tùy vào diện tích mỗi căn nhà.

Giá bán theo kiểu chìa khóa trao tay đã được chủ đầu tư xác lập khá cao, đơn cử liền kề diện tích 120 m2 có giá 400 nghìn USD, biệt thự có giá 800 nghìn USD, mức giá trên chưa có thuế VAT. Nếu cộng cả tiền thuế và chênh lệch thì giá mỗi m2 đất tại đây lên tới 3.000 USD, tương đương 85 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi dự án.

Cũng trên địa bàn Hà Đông, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao cũng là đang chung cảnh ngộ. Được bàn giao mặt bằng sạch từ năm 2007, nhưng đến nay, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao vẫn chỉ là bãi đất, tường rào sắt xây quanh. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010…

Được biết, chủ đầu tư dự án là Công ty Booyoung Vina, một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực bất động sản. Đơn vị này cũng khẳng định đủ tài chính để thực hiện dự án nhưng do điều chỉnh của quy hoạch dẫn tới chậm tiến độ. Qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, những khu đất hoang chưa biết ngày hoàn thành.

(tổng hợp)



No comments:

Post a Comment