Friday, December 21, 2012

Lợi ích nhóm đang chi phối bất động sản

- Giải cứu bất động sản đang là vấn đề nóng được Chính phủ, các cơ quan ban ngành
và dư luận đặc biệt quan tâm. Vland tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi về
vấn đề này, trong đó nhiều bạn đọc cho rằng lợi ích nhóm đang chi phối thị
trường BĐS.

 


“Cơ hội để Chính phủ giúp đa số người dân ngoại tỉnh có nhà“

Rất trông đợi vào những giải pháp cứu thị trường bất động sản của Chính phủ, bạn
Hoan nêu nguyện vọng: Tôi thấy đây là cơ hội để Chính phủ giúp đa số những người
dân ngoại tỉnh có trình độ, nhiều nghị lực và sẽ là những người đóng góp nhiều
của cải công sức để xây dựng đất nước ngày càng giầu đẹp có được nhà ở yên tâm,
an cư lập nghiệp và là điều mà rất nhiều người đã phải mất nhiều thời gian để
suy nghĩ về nó trong một thời gian rất dài. Mà chủ yếu ở đây là những lực lượng
trí tuệ trẻ đang sống ở nhà trọ ở Thủ đô bị kìm hãm sự phát triển rất nhiều. Nếu
được Chính phủ hỗ trợ cho vay mua nhà với lãi suất dưới 5%/1 tháng trong vòng 10
năm thì đó là một điều thật tuyệt vời cho cả đất nước này về lâu dài.

Cùng chung mong muốn, bạn Nguyễn Thành Chương viết: Kính gửi VietNamNet. Để góp
phần giải cứu thị trường BĐS hiện nay, tôi xin có một đề xuất như sau: Hiện nước
ta, người hưu trí rất nhiều và nhiều trong số họ rất cần một mái ấm nhưng cả đời
chưa có được, thiết nghĩ Nhà nước nên điều tra phân lọc, nhất là chú ý đến những
người sắp về hưu và mới hưu ở độ tuổi từ 55-65 ( hoặc thu hẹp lại độ tuổi này)
để có kế hoạch cung ứng những ngôi nhà nhỏ mơ ước cho số người này, họ có thu
nhập ổn định khả thi để có thể chi trả phần vay lãi suất thấp ưu đãi cho việc
mua mà Nhà nước sắp có chủ trương. Mức chi trả này có thể điều chỉnh trong
khoảng từ 50 – 60 % mức lương hưu hằng tháng của họ và dòng tiền này thực sự khả
thi ổn định cho ngân hàng khi có sự điều phối giữa BHXH – và các ngân hàng .
Điều này góp phần giảm thiểu mức áp lực chi trả quỹ BHXH, góp dòng tiền khả thi
vào lưu thông, đồng thời tạo một chính sách ưu đãi người lao động đã cống hiến
cả cuộc đời cho nước nhà. Tôi nghĩ điều này sẽ góp phần giải cứu BĐS hiện tại.


Nhiều bạn đọc trông đợi vào những giải pháp cứu thị trường bất động sản của Chính phủ

Bạn Văn Chúc góp ý: Nhà nước nên thống kê còn bao nhiêu người dân thiếu nhà ở
(nhất là ở thành thị và các thành phố lớn), dự đoán tiền đang có của họ là bao
nhiêu, khả năng mua nhà được là bao nhiêu %? Tôi thiết nghĩ lợi ích của việc tạo
điều kiện nhà ở cho mọi tầng lớp xã hội là rất lớn, trước mắt thúc đẩy các ngành
SX VLXD phát triển, sau đó các ngành khác… và nhất là người dân ổn định làm ăn
tạo ra của cải vật chất cho xã hội…. Cho nên sự can thiệp của Nhà nước nhất
thiết phải làm sao cho giá BĐS xuống mức thấp nhất để mọi người dân điều có thể
nghĩ đến có một ngôi nhà để ở trong khả năng của họ

Trước bất cập của ngành xây dựng, bạn Châu đưa ra sáng kiến: Chính quyền thu hồi
đất các dự án chưa hoặc chậm triển khai, bán đấu giá lại, với giá thấp hơn nhiều
so với trước cho các CDT mới có đủ năng lực. Gây sức ép với các ngân hàng thương
mại phát mãi các dự án bị chậm, không khả thi với giá thấp để các nhà đầu tư
mới. Rà soát lại toàn bộ các khâu thủ tục, hồ sơ giấy tờ, bộ máy và con người,
triệt để loại bỏ các chi phí "không tên". Hỗ trợ cho vay, đảm bảo rằng tiền
không bị chuyển sang sử dụng cho các mục đích khác. Yêu cầu sử dụng toàn bộ vật
tư thiết bị trong nước, tăng thời gian bảo hành lên gấp đôi. Các dự án nhà ở xã
hội do BQL thuộc nhà nước phát triển, mời thầu thiết kế, xây dựng. Kết quả xét
thầu và quyết toán công khai trên mạng. Không mời nhà đầu tư, vì kinh nghiệm cho
thấy họ làm không đảm bảo chất lượng và giá cao quá cao. Làm như vậy chắc chắn
giá nhà thương mại sẽ dưới 10 triệu đ/m2, các dự án khác đang bán giá cao cũng
sẽ phải hạ, người thu nhập trung bình sẽ có nhà ở. Các doanh nghiệp vật liệu xây
dựng, điện sẽ tiêu thụ được hàng, nhà thầu có việc.

Bạn Bùi Văn Bông cũng nêu một vài giải pháp: Tôi mạo muội xin đóng góp vài ý
kiến như sau: 1. Nhà nước hãy tăng cường đầu tư vào hạ tầng ở nông thôn với
phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm như xây dựng hệ thống tưới tiêu cho
các cánh đồng, đường nội đồng, đường nông thôn, trường học, trạm xá, đường liên
thôn, liên xã, đầu tư xây dựng trang trại và các cơ sở chế biến vừa và nhỏ, xây
dựng các chợ đã có thời gian hoạt động lâu đời vv… để giúp giải quyết hàng tồn
kho cho ngành vật liệu xây dựng và tạo công ăn việc làm cho công nhân ngành xây
dựng. 2. Cho vay mua nhà đất với lãi suất khoảng 3-5% /năm ổn định trong vòng
15-20 năm. Cơ chế cho vay dễ dàng, thông thoáng, tuyệt đối không vòi vĩnh, gây
sự với người vay tiền. 3. Cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà đất và được
hưởng mọi quyền lợi như người VN. Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách rất
thuận lợi và tổ chức một chiến dịch rộng lớn kêu gọi những người nước ngoài đã
về hưu đến sống lâu dài tại VN với phương châm VN là “quê hương thứ hai” của họ.

Lợi ích nhóm đang chi phối thị trường

Trong khi đó, bạn qteo79@yahoo.com thẳng thắn nêu quan điểm: Bất động sản là hàng
hóa, cứ để thị trường quyết định. Lợi ích nhóm đang chi phối thị trường BĐS.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn Nguyễn Tiến Thành mong muốn
các doanh nghiệp hãy hạ giá, san đều lợi ích cho nhân dân: Gốc rễ là giá BĐS đang quá cao, hạ giá bằng
cách nào? Nếu xem xét thành phần cấu trúc của giá BĐS thì tỷ trọng giá đất trong
tổng thể chi phí là quá cao. Các chi phí về vật liệu xây dựng, nhân công, quản
lý, thủ tục. v.v là không thể giảm được hoặc giảm rất ít. Hãy hạ giá đất đi. Đất
là của nhân dân, tại sao không thể đưa giá đất về con số không xem giá có giảm
hay không thay vì đổ tiền vào việc giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh
nghiệp thì hãy đưa giá đất thấp xuống, san đều lợi ích cho nhân dân.


Các doanh nghiệp bất động sản
phải giảm giá để tự cứ chính mình

 

Nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến các doanh nghiệp bất động sản
phải giảm giá để tự cứ chính mình, chứ đừng ngồi đó mà trông chờ vào sự giải cứu
của Chính phủ, ngân hàng hay cứ khăng khăng giữ giá.

Bạn đọc le hoang có ý kiến: Chính phủ không phải cứ chăm chăm giải cứu BĐS, m�
BĐS phải tự giảm giá để cứu mình vì giá BĐS vẫn quá cao!

Bạn Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng thẳng thắn: Không có giải pháp nào để cứu bất
động sản bằng tự mình cứu lấy mình, tức là không mong chờ vào 1 biện pháp nào dù
là Nhà nước, ngân hàng có hạ lãi suất bao nhiêu đi nữa cũng không mang lại hiệu
quả, nếu cứ chờ một phép lạ nào đấy thì 20 năm nữa cũng không giải cứu được thị
trường BĐS. Một điều duy nhất là các chủ BĐS không quyết định giá bán mà người
quyết định giá chính là người mua, giá mua không căn cứ vào một tiêu chuẩn nào
cả mà là giá được người mua qui định, chỉ có như vậy mới gỡ được băng bất động
sản, ngoài cách này đừng mong chờ vào một cách diệu kỳ nào cả.

Trong khi đó bạn Nguyễn Ngọc Sơn đưa cảnh báo không nên mua nhà lúc này: Xin mọi
người chớ vay tiền mà mua nhà. Là nhân viên ngành tài chính, tôi khuyên mọi
người chỉ mua nhà nếu mình đủ 90% tiền vì các lý do sau: 1. Dự định mức lãi suất
ưu đãi mua nhà dù là 10% cũng rất cao so với các nước khác khoảng 6%. Trong khi
thu nhập bình quân của ta thấp hơn họ kha khá. 2. Dù thời hạn tín dụng là 10 năm
nhưng Hợp đồng tín dụng cho vay ở VN thường có điều khoản điều chỉnh lãi suất 6
tháng một lần, cùng lắm cố định trong 2 năm. Nếu sau thời điểm này, ngân hàng
điều chỉnh tăng (cắt cổ đến 18%,20%) như thời kỳ vừa qua, chúng ta cũng sẽ không
có tiền để thanh toán, vậy là phải chấp nhận mức điều chỉnh ngọt lẹm như trên.
3. Nếu không đủ điều kiện thì nên vô tư thuê nhà để ở, tiền dành dụm nên để đề
phòng bệnh tật, đầu từ làm ăn, cho con cái học hành (sẽ đẻ tiếp ra tiền) các
nước khác họ thường làm vậy. Chứ mua nhà mà kéo cày trả nợ thì chết nửa cuộc
đời, không trả được bị ngân hàng tịch biên thì mất cả cuộc đời. 4. Sẽ nhanh
chóng đưa BĐS về giá trị thực trong tầm với.

Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này.
 
 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động
sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả
bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất
động sản Vland.
 
 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.
 
 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây
dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn

Thu Phương(Tổng hợp)



No comments:

Post a Comment