Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính do thị trường đóng băng, nguồn tín dụng siết chặt. Thêm vào đó, việc cơ quan quản lý yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất đối với các dự án sẽ tiếp tục tạo áp lực và đẩy các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vỡ trận hàng loạt.
Theo quy định, các dự án phải tính lại tiền sử dụng đất là những dự án đã được giao cho các doanh nghiệp bất động sản nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất trong vòng 5 năm. Kèm theo đó, thời điểm doanh nghiệp có quyết định giao đất chính là thời điểm tính tiền sử dụng đất, không tính theo thời điểm bàn giao đất thực tế.
Mặc dù quy định có từ vài năm nay nhưng trên thực tế, liên sở ban ngành Hà Nội mới tính lại tiền sử dụng đất cho khoảng 2 dự án trên tổng số gần 20 dự án bất động sản lớn phải tính lại. Trong đó, có dự án phải nộp tiền sử dụng đất nhiều nhất khoảng 300 tỷ đồng, số ít cũng gần 100 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố, Thanh tra tiếp tục kiến nghị tính lại tiền sử dụng đất cho 15 dự án. Đơn cử, như dự án nhà ở Sông Công, khu nhà ở Nam La Khê, khu nhà ở Xa La, tòa nhà cao tầng hỗn hợp văn phòng chung cư cao cấp Sông Đà, dự án tòa tháp Thiên niên kỷ, khu đô thị Văn Phú, khu đô thị Bắc 32, khu đô thị Cầu Bươu, khu đô thị mới Hạ Đình, khu đô thị mới Bắc An Khánh….
Mặc dù số lượng dự án phải tính lại tiền sử dụng đất là rất nhiều nhưng số doanh nghiệp có năng lực tài chính để nộp khoản thuế này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi, hầu hết nguồn tài chính của các doanh nghiệp đều trong tình trạng kiệt quệ do hàng không bán được, nợ đọng kéo dài, khoản vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con….
�
Ông Lý Văn Mạnh – Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương cho biết, đây là bài toán cực kỳ nan giải đối với các doanh nghiệp bất động sản có dự án phải tính lại tiền sử dụng đất nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp không có nguồn thu. Có một thực tế, khi mở bán dự án, doanh nghiệp đã phân bổ hết chi phí vào giá thành vì vậy không thể lấy thu được từ khách hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sau khi tất toán khoản tài chính đã chia cổ tức cho các cổ đông bây giờ lại phải thu xếp một khoản tiền tài chính lớn để nộp thuế thì không biết lấy đâu ra. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan quản lý cần xem xét lại để có phương án thích hợp cho các doanh nghiệp bởi nếu không nhiều doanh nghiệp vỡ trận.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường- Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, nghị định 69 đã buộc doanh nghiệp phải đóng 2 lần tiền sử dụng đất cho dự án. Một lần tiền đóng theo thỏa thuận với người dân, khi thỏa thuận người dân xong rồi lại đóng thuế nhà nước theo giá sát giá thị trường cho nên hiện nay hầu hết các doanh nghiệp không thể có tiền để đóng. Trong khi đó, việc xác định tiền thuế sử dụng đất phải nộp theo Nghị định 69 vô cùng phức tạp. Nếu áp theo giá thị trường thì khó trong khi việc xác định như thế nào là giá thị trường, cơ quan nào là thẩm định sát giá thị trường còn chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Lành (TPHCM) cho biết, Nhà nước tận thu tiền của doanh nghiệp bằng cách ra Nghị định 69 thu tiền sử dụng đất bằng giá trị thặng dư. Có nghĩa là, sau khi doanh nghiệp bán hàng và thu được một số tiền lớn. Sau khi trừ đi mọi chi phí, còn dư bao nhiêu là nhà nước thu hết. Đơn cử, doanh nghiệp làm dự án kinh doanh 100 tỷ đồng, Nhà nước thu 90 tỷ, doanh nghiệp còn 10 tỷ đồng. Bây giờ tính lại tiền sử dụng đất, bắt doanh nghiệp phải nộp thêm thì lấy đâu ra.
Trong khi trên thực tế, doanh nghiệp không thể bán được 100 tỷ đồng mà chỉ bán được 60 tỷ đồng, doanh nghiệp lỗ nếu tính như vậy thì doanh nghiệp không phải đóng thuế. Nhưng Sở tài chính lại bắt nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận thì áp cách tính kiểu cũ tức là áp mức thuế quy định nào đó để thu tiền doanh nghiệp.
Thêm vào đó, trong bối cảnh, thị trường bất động sản xuống giá, việc tính lại tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp chỉ còn nước chết. Nếu doanh nghiệp không đóng thì Nhà nước tìm mọi cách cưỡng chế như vậy chỉ giúp doanh nghiệp chết nhanh hơn…
Theo VnMedia
No comments:
Post a Comment