Tuesday, November 27, 2012

Phá băng bất động sản: nhiệm vụ bất khả thi

Nợ xấu từ bất động sản

Tình trạng đóng băng thị trường bất động sản được Quốc hội xác định là gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và có yêu cầu cụ thể Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải tập trung giải quyết như một nhiệm vụ cấp bách của năm 2013. Nội dung này được đưa vào nghị quyết và được công bố khi Quốc hội kết thúc kỳ họp thứ 4 hôm 23/11 vừa qua.

Theo những số liệu được các giới chức Việt Nam công bố chính thức thì khoảng 1 triệu tỷ đồng đang bị đóng băng theo bất động sản. Kể chung tất cả các loại tín dụng liên quan tới bất động sản, trong đó có vay để đầu tư xây dựng dự án, vay để kinh doanh bất động sản và cả mọi khoản vay được thế chấp bằng bất động sản.

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, GSTS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính, nhận định:

"Hiện nay nợ đọng của tất cả vào bất động sản quá lớn, Nhà nước có ý định cứu vãn thị trường này. Nhưng không thể có được cái lực để cứu vãn, chẳng lẽ đi vay nước ngoài? Nhưng vay nước ngoài cũng không thể nào được, bởi vì người ta nhìn vào thực lực kinh tế trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, kể cả các nước lớn cũng đang khó khăn huống hồ các nước nhỏ thì làm sao có thể có đủ lực làm việc này được. Cho nên phương cách như thế nào thì cần phải có giải pháp cụ thể của chính phủ."

Hiện nay nợ đọng của tất cả vào bất động sản quá lớn, Nhà nước có ý định cứu vãn thị trường này nhưng không thể có được cái lực để cứu vãn, chẳng lẽ đi vay nước ngoài?
GSTS Vũ Văn Hóa

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong đó có nợ xấu từ bất động sản là rất lớn và không thể biết rõ. Các chuyên gia nói tới một hệ thống tài chính ngân hàng không minh bạch và sở hữu chồng chéo như ma trận. Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định: "Nghiêm túc mà nói ngân hàng Việt Nam còn cách xa so với chuẩn an toàn quốc tế." Ông Ngoạn đã trả lời báo chí như vậy bên lề hội nghị "Ổn định Tài chính khu vực Đông Á" tổ chức tại Hà Nội hôm 27/11/2012.

GSTS Vũ Văn Hóa đưa ra một thí dụ cụ thể về tình trạng kẹt vốn, mất vốn trong một thị trường bất động sản bị đóng băng từ mấy năm nay. Theo đó, một dự án bắt đầu vào thời kỳ thực hiện thì trước hết chủ dự án phải có tiền để chi phí giải phóng mặt bằng, phải đền bù cho dân chúng và những tài sản trên mảnh đất đó. Số tiền này không nhỏ và về cơ bản chủ đầu tư phải vay của ngân hàng. Sau đó khi bắt tay vào xây dựng chủ dự án lại huy động vốn của những người xin mua những căn hộ đó.

Gọi vốn này là vốn sau và nó cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn. Vốn trước thì phần lớn các chủ đầu tư không có tiền và có thể nói đến 90% là vay của ngân hàng. Với diện tích vài ba héc-ta thậm chí vài chục héc-ta thì số tiền không phải là nhỏ khi phải đền bù tài sản trên đất hoặc bồi thường cho dân chúng. Cộng lại tất cả những thứ đó làm cho số dư nợ của ngân hàng ngày càng tăng lên. GSTS Vũ Văn Hóa tiếp lời:

Nợ ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con vì thế mỗi một ngày mở mắt ra các chủ dự án có thể mất một tỷ vài ba tỷ là chuyện bình thường, nó chồng lấn lên nhau như vậy hàng 5-7 năm trở lại đây không tiêu thụ được thì nó là hiện tượng đáng báo động trong nền kinh tế rồi."

Vòng luẩn quẩn

nha-dang-xay-dung-do-dang_250.jpg

Đề cập tới một số phương cách mà một vài tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang cố gắng thực hiện đó là giảm giá và thỏa thuận với ngân hàng để ngân hàng cho người muốn mua nhà vay tiền. GSTS Vũ Văn Hóa phản bác cách thức phá băng bất động sản theo hình thức này. Ông nói:

"Nó chỉ là một vòng luẩn quẩn không giải quyết được gì. Nếu như các chủ dự án có tiền của mình và chỉ vay ngân hàng một tỷ lệ nhỏ thí dụ 20%-30% còn 70% là vốn tự có, thì lúc ấy anh bán được hay không bán được nợ ngân hàng vẫn ở trong một giới hạn. Nhưng anh vay gần như 100% và bây giờ còn huy động vốn để cho người mua vay thì nó vẫn là số nợ ngân hàng thôi chứ lấy ở đâu ra.

Tổng nguồn vốn trong nền kinh tế quốc dân là một lượng có hạn, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia, nó đọng ở bất động sản chôn vùi vào đó thì nó gây khó khăn không những cho ngân hàng mà nó còn gây khó khăn cho chính những người mua đã từng đóng một tỷ lệ vốn góp vào đó để mua căn hộ, nhưng bây giờ căn hộ ấy chưa sử dụng được. Cả hai bên cùng mắc kẹt làm cho tình trạng nợ nần chồng chất, làm cho việc phân xử và thanh toán trong nền kinh tế quốc dân hiện nay lâm vào lúng túng."

Theo lời GSTS Vũ Văn Hóa, thị trường bất động sản đóng băng chôn vùi lượng tiền lớn, tất cả đều là tiền từ ngân hàng, mà tiền của ngân hàng cũng là tiền huy động vốn của dân chứ cũng không có ai khác cả. Bây giờ không trả được nợ, người có bất động sản không bán được thì rõ ràng khó khăn lại chồng chất ở chỗ ngân hàng. Khó khăn ở ngân hàng cũng chính là khó khăn đối với thanh khoản của ngân hàng đối với người gởi tiền. GSTS Vũ Văn Hóa nhấn mạnh:

Nếu cứ để cho các đơn vị tự bươn chải với nhau theo thị trường, thì tôi cho rằng chỉ khoảng hết năm nay sang đến quí 1 sang năm 2013 thì hàng loạt các dự án bất động sản của các công ty sẽ phá sản.
GSTS Vũ Văn Hóa

"Tôi cho rằng vòng lẩn quẩn này cần phải xem xét lại và có một sự điều phối thật chắc chắn, điều đầu tiên là phải giảm giá bất động sản xuống trở lại cái giá đích thực của nó. Còn anh vay vốn theo kiểu gì và anh thanh toán ra sao, việc này phải phân giải theo giải quyết của chính phủ, mấy năm nay giá bất động sản được nâng lên liên tục không thể giải quyết. Nếu cứ để cho các đơn vị tự bươn chải với nhau theo thị trường, thì tôi cho rằng chỉ khoảng hết năm nay sang đến quí 1 sang năm 2013 thì hàng loạt các dự án bất động sản của các công ty sẽ phá sản.”

Phá băng bất động sản theo yêu cầu của Quốc hội thật là nhiệm vụ đầy khó khăn cho chính phủ, khi mà VnExpress mô tả "Giấc mơ bất động sản Việt Nam hóa gạch vụn". Chúng tôi xin trích nguyên văn: "Hệ thống ngân hàng lao đao vì nợ xấu bất động sản, hàng loạt dự án dở dang, văn phòng cho thuê ế ẩm, mạng tin Bloomberg nhận định những tòa cao ốc trống rỗng tại Việt Nam đang biến giấc mơ thuở nào thành đống đổ nát."

Theo dòng thời sự:



No comments:

Post a Comment