Friday, November 23, 2012

Quốc hội yêu cầu 'phá băng' bất động sản

Quốc hội yêu cầu ‘phá băng’ bất động sản

Sau 5 năm tuột dốc, địa ốc sắp bước vào chu kỳ mới?
Giá giảm mạnh, địa ốc Hà Nội vẫn ‘bất động’

Sau một tháng làm việc, sáng nay (23-11), Quốc hội khóa 13 đã bế mạc kỳ họp thứ tư. Một trong những yêu cầu của Quốc hội là tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ tư – Ảnh: CTV..

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Với năm 2013, Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012…

Điểm lại những nội dung đã được Quốc hội quyết định trong kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, việc thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện để Quốc hội có thể tiến hành việc đánh giá tín nhiệm một cách chính xác vào kỳ họp đầu năm 2013.

Tập trung "phá băng" thị trường bất động sản

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành rất cao, chiếm 96,59%. Quốc hội đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể với các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.

Với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, yêu cầu đầu tiên của Quốc hội là tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu.

Ở báo cáo tiếp thu giải trình trước khi các đại biểu nhấn nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nhiệm vụ "giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản" và cho rằng, Bộ Xây dựng khó có thể một mình giải quyết được tình trạng này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và là một trong những nhiệm vụ cấp bách của năm 2013.

Để giải quyết tình trạng này cần những giải pháp tổng thể và có trách nhiệm của Chính phủ trong việc phối hợp các cấp, các ngành cùng tham gia.

Tuy vậy, trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Xây dựng với việc cơ cấu lại các dự án bất động sản phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là việc khuyến khích xây dựng quỹ nhà ở xã hội.

Bên cạnh "phá băng", yêu cầu đặt ra tại nghị quyết là Bộ Xây dựng phải có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật quản lý đô thị, có kế hoạch rà soát tổng thể công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trong cả nước để có những điều chỉnh cần thiết.

Từ nay đến hết năm 2013, hoàn thành việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các định mức kinh tế – kỹ thuật, các loại đơn giá đầu tư, đơn giá xây dựng để làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư và thanh quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, nghị quyết nêu rõ.

2015 có hệ thống ngân hàng lành mạnh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được yêu cầu năm 2013 tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh.

Điều hành hoạt động của thị trường tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho sản xuất những ngành sản xuất, mặt hàng quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu đã được Quốc hội xác định; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với giải quyết chất lượng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, công ty tài chính và giải quyết nợ xấu, giảm nợ xấu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; bảo đảm lợi ích của người dân; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện

Với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Quốc hội yêu cầu tiếp tục có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; khuyến khích tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, hạn chế nhập siêu, chống buôn lậu, hàng lậu; giải quyết hàng tồn kho, bảo đảm sang năm 2013 hàng tồn kho sẽ giảm dần theo cơ cấu ngành; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn hàng, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân.

Yêu cầu tiếp theo là tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11 – 2013), trong đó xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai; có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện, trồng rừng thay thế.

Quốc hội cũng yêu cầu trong năm 2013, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện; tập trung giải quyết vấn đề đền bù, tái định cư các công trình thủy điện, bao gồm cả những tồn tại, vướng mắc của các dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La.

Tăng cường quản lý thuốc

Cũng trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế được yêu cầu tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, viện phí để bảo đảm chi phí hợp lý, có lộ trình phù hợp với điều kiện và thu nhập của người dân.

Trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, từ nay đến hết năm 2013 phải tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không bảo đảm vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm tiêu dùng cho người dân.

Ngành y tế còn được yêu cầu phải nỗ lực có biện pháp tích cực, hiệu quả để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ 2-1-2013

Tại phiên bế mạc, 100% các vị đại biểu có mặt đã tán thành thông qua nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, từ 2-1-2013 đến 31-3-2013 toàn bộ dự thảo sẽ được lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức. Như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội (http://duthaoonline.quochoi.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng…

Nghị quyết nêu rõ yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân.

Theo Nguyên Vũ
Vneconomy



No comments:

Post a Comment