Monday, December 24, 2012

Chính phủ: Cần 'cứu' thị trường bất động sản

(VTC News) – Tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu,…là những vấn đề cần tập trung giải quyết.

Đó là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương (25-26/12) triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 diễn ra sáng 25/12.

Giải quyết tồn kho bất động sản

Trình bày dự thảo Nghị quyết tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương ngày 25/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, dự thảo gồm 3 nội dung lớn về giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; giải quyết nợ xấu; tổ chức thực hiện.

Nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm công việc: Giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về vốn, tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm hiện nay. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 thành phố lớn là TP HCM và thành phố Hà Nội trong ngày 18 và ngày 19/12 về vấn đề này.

(Ảnh chinhphu.vn)Dự thảo Nghị quyết đề ra một số  giải pháp lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp phát luật về đất đai, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng  đất đai, quy hoạch xây dựng, kết hoạch phát triển đô thị…

Rà soát tất cả các dự án nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù  hợp. Nghiên cứu để sớm hình thành các chế định tài chính mới như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, cơ chế tái thế chấp nhà ở. Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách.

Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; xử lý dứt điểm các khoản nợ của ngân sách nhà nước với doanh nghiệp, nợ chéo giữa các doanh nghiệp, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu đối với các dự án bất động sản; xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ tập trung chỉ  đạo, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, nhất là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục thị trường bất động sản, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung – cầu và tập trung xử lý nợ xấu. Triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội. Nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh và ổn định chính trị – xã hội, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Trong nhóm giải pháp đầu tiên, coi ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là  mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành năm 2013, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Điều hành tỉ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng, tập trung khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để  thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Cụ thể, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và  vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013.

Hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng ngân sách nhà nước. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ và sử dụng vốn không đúng đối tượng. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách.

Về nội dung giải quyết nợ xấu, dự thảo Nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các biện pháp tự xử lý nợ xấu…

Châu Anh



No comments:

Post a Comment