Thursday, November 1, 2012

Áp lực nâng chất lượng vốn FDI trong bất động sản

Ảnh minh họa

Đây là cơ hội để thực chất hóa dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho một khu vực vốn phát triển theo kiểu "bong bóng" suốt thời gian qua.

Qua thời "tay không bắt giặc"

Được cho là có nhiều kinh nghiệm, sức mạnh tài chính cũng như sức đề kháng tốt nhưng các nhà đầu tư BĐS nước ngoài cũng lao đao do cuộc khủng hoảng trên thị trường thế giới cũng như trong nước.

Điển hình như các dự án BĐS có vốn đăng ký lớn nhưng "án binh bất động" nhiều năm như Hạ Long Star (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư là 550 triệu USD, hai dự án Khu Đô thị Đại học Quốc tế và Trung tâm Tài chính Quốc tế (TP Hồ Chí Minh) của Tập đoàn Berjaya với tổng vốn đăng ký lên đến 4,5 tỷ USD nhưng chưa biết đến bao giờ mới thực sự triển khai.

Tình trạng triển khai dở dang hoặc chưa biết bao giờ mới khởi công xuất hiện ngày càng nhiều tại các dự án BĐS có vốn FDI nhất là tại các địa phương vốn là tâm điểm của những cơn sốt đất trước đây như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhà đầu tư nước ngoài đang phải giải quyết những vấn đề nội tại nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư chỉ đủ nguồn lực tập trung vào các dự án đang triển khai. Mặt khác, thị trường BĐS Việt Nam đang đương đầu với không ít khó khăn, như tính thanh khoản thấp, giao dịch trầm lắng, chính sách thắt chặt tín dụng…, khiến các nhà đầu tư ngoại e dè, có tâm lý nghe ngóng.

Bên cạnh đó, vốn FDI thực sự của nhà đầu tư rót vào nhiều dự án BĐS cũng khá khiêm tốn, chỉ chiếm 20 – 30% tổng giá trị vốn đăng ký, chủ yếu được dùng vào những chi phí ban đầu tư giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Số vốn còn lại cho dự án được huy động từ các nhà đầu tư Việt Nam cũng như vay vốn ngân hàng, khi hai nguồn vốn này tắc thì dự án cũng nằm bất động.

Ngoài lý do thiếu vốn, cái cớ mà hầu hết các chủ đầu tư này viện dẫn để biện minh cho tình trạng dở dang của các dự án là thị trường BĐS rất khó khăn nên có xây cũng không bán được.

Xu hướng thâu tóm giá rẻ

Một điểm đáng chú ý đối với xu hướng dòng vốn FDI đổ vào BĐS từ đầu năm tới này, là những nhà đầu tư nước ngoài chịu bỏ vốn vào bất động sản thời điểm này hầu hết là có kế hoạch dài hơi, tiềm lực tài chính ổn định trong trung và dài hạn.  

Thực tế, ngoài dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, thì có nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm, thâu tóm lại các dự án BĐS giá rẻ. Đây cũng là cơ hội của nhà đầu tư trong nước bán dự án khi không còn sức để tiếp tục làm dự án.

Theo ông Trần Như Trung, Công ty Savills Vietnam, đã có nhiều dự án BĐS thông qua các công ty môi giới, đang được chào mời tới các nhà đầu tư trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Maylaysia, Thái Lan…

Đại diện Công ty Đầu tư Trinity (Thái Lan), đang vận hành một quỹ trị giá 30 triệu USD, với mục tiêu đầu tư vào các dự án BĐS giá rẻ tại Việt Nam, cho rằng cơ hội đang rộng mở khi một số quỹ đầu tư đang tìm cách rút khỏi thị trường này do tới gần thời điểm đóng quỹ, hoặc tập trung cho dự án triển khai ở nước khác.

Đây cũng là nhận định chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các dự án BĐS giá rẻ, đặc biệt là những dự án đã tạo được nguồn đất sạch để đầu tư, khai thác lâu dài với niềm tin "khi khủng hoảng qua đi, theo quy luật mọi tài sản, trong đó có BĐS, sẽ dần khôi phục giá trị". Nhất là đối với những nhà đầu tư muốn thâm nhập nhanh vào thị trường BĐS Việt Nam thông qua những dự án  sẵn đất sạch mà không phải trải qua các khâu, thủ tục phức tạp về xin cấp giấy phép kinh doanh, giải phóng mặt bằng…

Đáng chú ý, không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà cũng có dấu hiệu các nhà đầu tư trong nước tham gia vào các thương vụ thâu tóm dự án BĐS giá rẻ từ những nhà đầu tư rút lui. Các nhà đầu tư trong nước đều nhắm đến những dự án đang có doanh thu như các khách sạn, cao ốc văn phòng hoặc khu thương mại đang hoạt động…

Vì vậy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực nhắm tới, nhất là trước một đợt thoái vốn mới ra khỏi các công ty, dự án BĐS của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinaconex, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà…

Phương Nguyên



No comments:

Post a Comment