Tuesday, November 20, 2012

Doanh nghiệp bất động sản - Thua lỗ lớn, hàng tồn cao

Hàng tồn kho chính là nỗi lo lớn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS), làm cho danh sách lỗ lã kéo dài thêm, điều này thấy rất rõ ở các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hoang hóa tại dự án nhà ở Khang An, quận 9.

Thua lỗ triền miên

Theo báo cáo tài chính của các DN, có đơn vị lỗ từ năm ngoái kéo dài sang năm nay. Năm ngoái, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) nằm trong danh sách DN trên sàn chứng khoán lỗ 39,83 tỷ đồng. Hết quý 3 năm nay, QCG tiếp tục rơi vào tình trạng lỗ, báo cáo hợp nhất lỗ 468 triệu đồng. Tất nhiên, nếu so với năm ngoái, sự tụt giảm này cho thấy tình hình kinh doanh tiến triển khá hơn. DN này bán được hàng tương đối khá, doanh thu thuần đạt gần 60 tỷ đồng (tăng 13,3% so với cùng kỳ).

Trong năm 2011, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) vì nguồn doanh thu thuần ế ẩm nên lỗ ròng 71,04 tỷ đồng. Ba quý năm 2012, SJS công bố báo cáo tài chính tiếp tục thua lỗ 109 tỷ đồng. Xem ra DN này chưa tìm được lối ra, trong khi hàng tồn kho tiếp tục tăng lên 4.192 tỷ đồng, lãi vay phải trả 1.757 tỷ đồng. Trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Văn Viết, Phó Tổng giám đốc SJS cho biết, sở dĩ lợi nhuận sau thuế giảm là do "tình hình kinh tế có nhiều biến động không thuận lợi, thị trường BĐS gặp khó khăn. Vì vậy việc kinh doanh các sản phẩm BĐS của công ty trong thời điểm này cũng chưa phù hợp nên chỉ tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và đầu tư các công trình cấp bách, không có ghi nhận doanh thu lớn".

Quý 3 năm nay, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận tin làm ăn thua lỗ kéo dài từ năm ngoái của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB). Kết quả, NTB lỗ quý 3 là 24,76 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng công ty lỗ hơn 30 tỷ đồng, trong khi năm 2011 đơn vị này lỗ 1,1 tỷ đồng. Một đơn vị khá tên tuổi trong làng vật liệu xây dựng là Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bước sang đầu năm 2012, HT1 cố gắng cầm cự ở mức hòa vốn để thoát cảnh lỗ nhưng bất thành. Sang quý 3, công ty đã báo lỗ 29,8 tỷ đồng mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh của HT1 cho thấy doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng giá vốn hàng bán còn tăng cao. Trong khi đó, chi phí tài chính dù giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất cao, cộng thêm chi phí bán hàng tăng vọt đã gây ra khoản lỗ lớn này.

Danh sách lỗ 9 tháng năm nay tiếp tục nối đuôi hàng chục DN khác, đặc biệt còn có sự xuất hiện Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc do ông Đặng Thành Tâm làm tổng giám đốc với 132 tỷ đồng.

Ngập trong nợ nần

Lỗ mới và lỗ cũ, danh sách lỗ càng ngày càng kéo dài là điều dễ hiểu khi hàng tồn kho chất ngất, đi kèm là đống nợ khổng lồ.

Thống kê của chúng tôi từ hai sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội cho thấy, nếu lấy mốc tồn kho của các DN từ 400 tỷ đồng trở lên có khoảng 32 DN trong lĩnh vực BĐS, vật liệu xây dựng, sắt thép và các lĩnh vực liên quan. Theo đó, hàng tồn kho là 73.670,4 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD), trong đó nợ lên đến 153.355,7 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD). Rõ ràng, con số này so với thống kê từ quý 1 (bài "Bất động sản: hàng tồn kho như núi", đăng trên Báo SGGP 21-5-2012), hàng tồn kho tiếp tục tăng chứ không hề giảm. Đây là con số thống kê trên sàn chứng khoán, có kiểm toán, minh bạch, còn hàng ngàn DN khác chưa niêm yết có thể lên 1 triệu tỷ đồng như công bố tại diễn đàn Quốc hội (?).

Vậy giải pháp để tháo gỡ như thế nào? Nhìn chung, "hơi thở" của các DN BĐS qua báo cáo tài chính khá yếu. Ví dụ, đối với QCG, tháng 9 chỉ còn 39 tỷ đồng tiền mặt, trong khi đó, tổng nợ ngắn hạn của QCG là 1.931,4 tỷ đồng, hàng tồn kho rất lớn là 3.511,7 tỷ đồng. Vì lĩnh vực chính là BĐS, tình hình kinh tế khó khăn sẽ rất khó tiêu thụ nhà ở trong ngắn hạn. Trong làng vật liệu xây dựng, HT1 là một địa chỉ đình đám của làng xi măng. Tuy nhiên, DN này đang đứng trước thử thách cực lớn, lỗ từ năm ngoái lỗ sang năm nay, mặc dù hàng tồn kho có tụt giảm đôi chút, nhưng vẫn nằm ở ngưỡng 1.062 tỷ đồng, nợ trên 11.000 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại mà công ty này nhận định là nhu cầu tiêu thụ xi măng sụt giảm dẫn đến gia tăng chi phí bán hàng so với năm ngoái. Nói chung không nằm ngoài dự báo của thị trường, khi số liệu của Bộ Công thương cho thấy, lượng tồn kho của ngành xi măng trong 10 tháng đầu năm tăng 51,3% (xấp xỉ 4 triệu tấn). Như vậy giải phóng hàng tồn kho của HT1 không hề đơn giản.

Thị trường BĐS đang đối mặt với vòng luẩn quẩn: thị trường đóng băng dẫn đến hàng tồn kho gia tăng, không bán được hàng, dòng tiền bị chặn lại, không có tiền trả nợ dẫn đến nợ xấu gia tăng! Tình trạng này càng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, rõ ràng thị trường BĐS đang cần một giải pháp tổng thể quyết liệt, không thể chậm trễ.

Lương Thiện



No comments:

Post a Comment