Thẩm phán Phạm Công Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM):
Cho phép dân kiện người phê duyệt quy hoạch
Luật
đất đai sửa đổi cần quy định cụ thể, chi tiết về những trường hợp được
giao đất, điều kiện người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận. Quy định
của Luật đất đai hiện hành quá rắc rối và chưa bao hàm đầy đủ các
trường hợp diễn ra trên thực tế. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản rất
lớn và quan trọng đối với người dân nhưng hiện nay người dân rất vất vả
mới được cấp giấy chứng nhận. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng
cần phải được cụ thể hóa trong luật. Làm sao để khi người dân bị cơ quan
nhà nước từ chối không cấp giấy thì khi kiện ra tòa, hội đồng xét xử
chỉ cần mở Luật đất đai ra để đối chiếu sẽ biết ngay việc từ chối của cơ
quan nhà nước là đúng hay sai? Hiện nay, để xem xét việc này tòa án cần
phải tìm kiếm quá nhiều văn bản, vì quy định ở luật chưa đầy đủ, còn
phải đối chiếu nghị định, thông tư của bộ này, bộ kia rồi xem tới quyết
định của UBND tỉnh, thành phố.
Luật đất đai cũng cần quy định cụ
thể, rõ ràng hơn nữa về thẩm quyền quy hoạch sử dụng đất, vấn đề công
khai quy hoạch và việc người dân được có quyền có ý kiến về quy hoạch sử
dụng đất có liên quan đến quyền sử dụng đất của mình. Việc sử dụng đất
phải đúng quy hoạch đặt ra, nếu quy hoạch không có khả năng thực hiện
trong 1-2 năm là phải xóa quy hoạch, không thể để trình trạng quy hoạch
"treo" gây lãng phí đất đai, trong khi người dân có đất thì không được
sử dụng. Cần bổ sung quy định về việc người dân có quyền khiếu kiện đối
với người đã phê duyệt quy hoạch nếu cho rằng quy hoạch đó không có tính
khoa học, khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Vấn đề
giá đất bồi thường khi thu hồi đất phải quy định bằng với giá thị
trường. Làm sao không để tình trạng người dân bức xúc, khiếu nại kéo
dài, kiện cáo ra tòa về đơn giá bồi thường quá thấp. Quyền sử dụng đất
là tài sản giá trị nhất của cả hộ gia đình, nhưng khi Nhà nước thu hồi
đất, người dân chỉ được nhận khoản tiền đền bù với giá trị thấp hơn
nhiều so với giá đất thị trường là điều khó chấp nhận. Nhất là khi Nh�
nước thu hồi xong, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì giá đất
lại đội lên hàng vài chục lần, khiến người bị giải tỏa bức xúc.
Người dân nói gì?
* Ông Bùi Thanh Hùng (ấp 2,
xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM):
Tiền bồi thường không đủ để tái định cư
Gia
đình tôi có gần 700m2 đất bị thu hồi trong dự án khu đô thị mới Nhơn
Đức – Phước Kiển. Năm 2009, tôi nhận tiền bồi thường 4,3 triệu đồng/m2
đất ở và phải mua lại đất thổ cư bên ngoài với giá gần 8 triệu đồng/m2.
Gia đình tôi đăng ký mua nền đất tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa nhận
được đất, khiến cả gia đình sáu người phải đi mướn nhà sống trong tình
trạng chật chội, tạm bợ. Nhiều gia đình cũng đang phải thuê nhà trọ
giống như tôi.
Tôi mong Nhà nước phải có đất, nhà tái định cư
trước khi thu hồi đất của dân. Sống tạm bợ không chỉ cơ cực, mà còn dẫn
đến chuyện nhiều người nhận tiền bồi thường xong là tiêu xài, hai ba năm
sau Nhà nước mới giao nền đất tái định cư thì không biết lấy tiền đâu
ra để trả. Giá đất bồi thường cũng phải đủ để mua lại một căn nhà, một
khu đất tương đương với nơi ở cũ. Thực tế gia đình tôi cho thấy tôi phải
dùng tiền bồi thường 200m2 đất ở mới mua lại được 100m2 đất tái định
cư.
Tôi đọc Luật đất đai được biết đối với những dự án xây nhà để
bán thì chủ dự án phải thương lượng mua đất của dân. Tuy nhiên, cán bộ
của huyện giải thích đây là dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Dân chúng tôi ấm ức, muốn khiếu nại nhưng thấy quá gian nan vì quy định
của pháp luật về đất đai rối quá.
* Ông Nguyễn Văn Hùng (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang):
Hạn điền kìm hãm sản xuất nông nghiệp
Qua
nhiều năm tích tụ gia đình tôi có được 32ha đất trồng lúa, rồi lập
trang trại lớn chuyên sản xuất, cung ứng giống lúa chất lượng cao. Ngoài
có thu nhập khá, chúng tôi còn tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định
cho hàng chục hộ dân và nhiều lao động ở địa phương. Nhu cầu sử dụng
lúa giống này ngày càng lớn, tôi rất muốn mở rộng thêm diện tích canh
tác mà không dám, bởi ngán mức hạn điền.
Nếu trồng lúa với đất ít
thì không thể khá lên nổi. Làm diện tích lớn người ta dám đầu tư kỹ
thuật, máy móc trong canh tác và thu hoạch nên chi phí thấp hơn, sản
xuất hiệu quả hơn. Có diện tích lớn cũng dễ liên kết sản xuất với doanh
nghiệp. Tuy nhiên, do vướng hạn điền nên những hộ có điều kiện không dám
tích tụ đất để làm ăn lớn. Nhiều hộ mua thêm đất nhưng phải nhờ bà con,
người khác đứng tên giùm hoặc chỉ mua bán bằng giấy tay. Làm như vậy l�
chưa đúng pháp luật và luôn âu lo phập phồng sợ xảy ra tranh chấp.
* Bà Nguyễn Dung (phường 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang):
Quy hoạch "treo", phải bồi thường cho dân
Tôi
có miếng đất "dính" quy hoạch suốt 14 năm qua. Tỉnh Tiền Giang nhiều
lần nói sẽ bỏ mà mấy năm nay rồi giờ cũng vẫn còn "treo". Nếu như năm
1998 tôi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn lên đất ở thì chỉ đóng
thuế vài triệu đồng. Còn bây giờ nếu xóa quy hoạch "treo" thì tiền thuế
lên tới vài trăm triệu đồng. Tiền đâu mà đóng nổi. Trong khi đó, suốt
thời gian "treo" tôi đâu có làm gì được trên miếng đất này. Tôi đề nghị
Quốc hội sửa luật, quy định quy hoạch công bố tối đa 2-3 năm không làm
thì phải xóa. Nếu để lâu hơn thì chính quyền phải bồi thường thiệt hại
cho dân trong thời gian bị "treo". Có như vậy mới mong xóa được tình
trạng quy hoạch tùy hứng tràn lan để làm khổ dân như hiện nay.
No comments:
Post a Comment