Friday, October 26, 2012

Gỡ khó cho bất động sản


(VnMedia)Tập trung cơ cấu lại sản phẩm, dừng dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chia nhỏ diện tích căn hộ đối với dự án có lượng tồn kho lớn, khuyến khích nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội… là một trong nhiều phương án nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc để bàn thảo giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

 

Bắt bệnh thị trường bất động sản

 

Trong những năm qua, bất động sản có bước phát triển rất quan trọng và góp phần tạo dựng hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước nhưng vài năm gần đâychúng ta đã chứng khiến những khó khăn to lớn của lĩnh vực bất động sản như thị trường đóng băng, không có giao dịch kéo theo đó là những khó khăn của doanh nghiệp.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường bất động sản khó khăn trong suốt thời gian vừa qua là do việc phát triển dự án đô thị không căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch mà phát triển theo phong trào, tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Cụ thể, kể từ tháng 4/2011 trở về trước, thị trường có giai đoạn phát triển mạnh trong đó chủ yếu là trung gian, mua đi bán lại để kiếm chênh lời chứ không phải thực tế người tiêu dùng mua.

 

Khi giá bất động sản hạ xuống, van tín dụng bất động sản đóng lại, lãi suất ngân hàng tăng cao lên thì thị trường đã bộc lộ rõ yếu kém .Người đầu cơ không có khả năng tiêu thụ sản phẩm của mình, còn người tiêu dùng không mua vì sản phẩm không còn phù hợp với khả năng thanh toán.

 

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư bất động sản mới quan tâm đến thị trường cho những người có khả năng về kinh tế chủ yếu sản phẩm cao cấp , diện tích lớn. Trong khi đó, đại bộ phận người dân rất cần sản phẩm kiêm tốn về diện tích, giá rẻ thì không có. Đây là nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản khó khăn.

 

Nhu cầu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp là rất lớn. Nhưng với thu nhập/đầu người 1.000 USD/năm thì không thể gánh vác được lượng cung lớn như vậy.

 

Trong khi, hệ thống tài chính cung cấp vốn dài hạn cho thị trường bất động sản chưa hoàn thiện, các nhà đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng là chính. Ngoài ra, họ còn huy động người dân. Bản thân hiện nay doanh nghiệp nào vay ngân hàng nhiều thì áp lực trả lãi là rất lớn. Doanh nghiệp nào huy động của dân mà không làm dân đang tạo sức ép đòi tiền.

 

Liều "thuốc giải"

 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cần phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nói chung trong đó có pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản… theo hướng tăng cường kiểm soát từ trung ương đến địa phương. Kiểm soát, cân đối cung cầu, quy hoạch đô thị theo từng giai đoạn. Dân số tăng bao nhiêu để có nguồn cung bất động sản phù hợp.

 

Thực tế trước đây, các doanh nghiệp đi tìm đất, xã giới thiệu địa điểm là doanh nghiệp lấy đất làm dự án. Khi có đất rồi thì thiếu quy hoạch, doanh nghiệp xây dựng làm quy hoạch 1/2000 rồi 1/500 nhưng thực tế hoàn toàn bị động. Không căn cứ kế hoạch tổng thể về phát triển đô thị để làm dự án nên những chỗ đất đẹp Hà Nội đều có nhà đầu tư vào nhưng Thành phố không biết, sở không biết. Đáng lẽ, Thành phố phải kiểm soát, phân loại khu vực nào chưa cần thiết xây dựng thì để trống trong 10 năm mới được sử dụng. Ngược lại, giao đất tràn lan dẫn đến tình trạng lãnh phí đất đai.

 

Một vấn đề nữa, cần cụ thể hóa chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó 2 nhà ở thị trường hàng hóa và thị trường phi hàng hóa. Trong đó, nhà ở phi hàng hóa được hỗ trợ của nhà nước như các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cần quan tâm. Việc phát triển loại hình nhà ở phi hàng hóa này có liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

 

Hiện Hà Nội có trên 20.000 ha đất giao cho các dự án, nhưng rất may là các doanh nghiệp chưa đổ hết tiền vào để giải phóng mặt bằng. Nếu không sẽ gây lãng phí rất lớn tiền của nhà đầu tư.

 

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, những dự án chưa giải phóng mặt bằng không phải công trình bức thiết về sản xuất mà chỉ có nhà ở nếu cần phải cần nhắc dừng lại.

 

Những dự án giải phóng mặt bằng nhưng chưa san nền, nếu là dự án bất động sản nhà ở thì cần dừng lại và giao cho người dân tạm sử dụng cho đỡ lãng phí.

 

Dự án đã có hạ tầng thì đề nghị cho điều chỉnh dự án để tăng cơ cấu nhà ở xã hội lên. Ngoài ra, với những dự án nhà ở thương mại đang bị ế ẩm, phải xem xét cân nhắc cho phép điều chỉnh căn hộ theo hướng chia nhỏ diện tích.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng mở van tín dụng trực tiếp cho người mua nhà. Bộ trưởng cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng rất ủng hộ bởi quan điểm cứu thị trường bất động sản tức là cứu mình, cứu nền kinh tế, cứu người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để vay vốn dễ dàng cần có sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ ban ngành" Bộ trưởng nhấn mạnh.

Anh Đào



No comments:

Post a Comment