Tuesday, October 30, 2012

Giải pháp cứu thị trường bất động sản


Giá bất động sản đã chạm “đáy” hay chưa hiện đang có nhiều nhận định trái chiều trong khi thị trường bất động sản trị giá hàng tỷ USD vẫn đang tiếp tục "ngủ đông". Các doanh nghiệp, thay vì trông chờ, tốt nhất hãy tự cứu mình cho qua cơn bĩ cực.

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN, THỪA VÀ THIẾU


Trong những tháng gần đây, không ít giải pháp được các chuyên gia đề cập như cứu cánh cho thị trường BĐS vốn trầm lắng trong một thời gian dài. Vấn đề là nên để thị trường "im ắng" tiếp hay cần có những biện pháp kích thích, đưa thị trường ấm lên?


Có một điều dễ nhận thấy là thị trường BĐS thời kỳ 2008 – 2010 đã phát triển quá nóng trên cơ sở của các dự án đầu cơ, tạo ra nguồn cung ảo, đặc biệt với phân khúc thị trường căn hộ chung cư cao cấp. Trong khi phân khúc này đang bị “khủng hoảng” thừa thì phân khúc gắn với nhu cầu thực của đại bộ phận người dân, những căn hộ diện tích nhỏ, giá mềm lại vô cùng khan hiếm. Thế là, trên thị trường tính tới thời điểm này, căn hộ cao cấp, căn hộ giá cao đang nằm trong tình cảnh đợi chờ người mua thì vẫn có rất đông đảo người dân không có nhà để ở.


Thống kê tại 2 thị trường bất động sản lớn nhất nước cho thấy, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ, trong khi con số này tại thành phố Hồ Chí Minh là 20.000. Như vậy, đã có ít nhất 60.000 căn hộ đắp chiếu nằm chờ chủ. Không chỉ nhà thương mại tồn đọng, mà nhà thu nhập thấp tại Hà Nội, sau thời gian sốt xình xịch, cũng bắt đầu ế ẩm mà nguyên nhân không gì khác là diện tích lớn. "Tại Hà Nội, 6 dự án nhà thu nhập thấp với tổng cộng 3.750 căn vẫn tồn đọng 20 – 40%, dù giá bán 10 – 13 triệu đồng/m2. Lượng tồn đọng phần đông có diện tích hơn 60m2. Nhiều người dân bốc thăm trúng căn to đẹp lại rất lo lắng không trả nổi tiền", ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành dẫn chứng vì tình trạng mất cân bằng của thị trường.

                   
 

DOANH NGHIỆP HÃY TỰ CỨU LẤY MÌNH


Đó là nhận định chung của rất nhiều chuyên gia có mặt trong Hội thảo "Thị trường bất động sản – Giải pháp và cơ hội tiếp cận nguồn vốn" tổ chức tại Hà Nội ngày 12/9. Theo đó, mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp phải chủ động, tích cực giải quyết nút thắt hàng tồn kho, bán hàng ra để khơi thông dòng tiền.


Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, trong bối cảnh hiện tại, việc các doanh nghiệp tiếp tục hạ giá, cắt lỗ vẫn là con đường chính để thoát khỏi khó khăn. Doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách cắt lỗ bán sản phẩm thay vì ôm đống tài sản để rồi phá sản. Những người lạc quan nhất cũng cần phải thực tế rằng tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013 và "hãy tự cứu mình trước khi trời cứu".


Để tồn tại, không ít đơn vị đã chấp nhận lỗ 50%. Không chỉ giảm giá bán căn hộ, doanh nghiệp cũng sẵn sàng bán lại dự án với giá thấp để giải quyết triệt để hàng tồn kho. Còn với định hướng trong tương lai gần, thì việc làm nhỏ sản phẩm căn hộ đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp tính đến. Cùng với việc tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, thì việc làm nhỏ sản phẩm như chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng theo hướng nhà ở xã hội theo phương thức thương mại đang được cho là giải pháp hợp lý.


Bằng chứng cho nhận định này là ví dụ của một số doanh nghiệp đã và đang bắt tay vào xây dựng những căn hộ với diện tích 30 – 50m2. Tại Bình Dương, căn hộ 30m2 có giá thành 90 – 120 triệu đồng được bán rộng rãi cho mọi người -– được coi là nhà ở xã hội theo phương thức thương mại. Đây có thể coi là một sự lách luật đầy sáng tạo, nhất là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế và đa phần người dân chỉ có điều kiện mơ một chốn an cư nho nhỏ.


Do đó, các chuyên gia cũng đưa ra đề nghị Nhà nước nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại diện tích nhỏ từ 30m2, đây có thể sẽ là giải pháp để các doanh nghiệp có thể phục hồi kinh doanh theo hướng giảm diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, số tầng xây dựng.


"Thay vì trông chờ sự hỗ trợ của các giải pháp tài chính, thì Bộ Xây dựng có thể cứu doanh nghiệp một cách rất hiệu quả là bỏ tỉ lệ căn hộ A, B, C trong tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004… Theo quy định, loại căn hộ tương ứng là 50 – 70m2, 75 – 100m2 và trên 105m2 có tỉ lệ trong một dự án là 1-2-1. Phần đông các căn hộ tồn đọng đang ở phân khúc diện tích lớn, trong khi căn hộ có diện tích vừa phải, phù hợp với nhu cầu và khả năng của đại bộ phận người dân lại đang thiếu. Vì thế, nên cho phép doanh nghiệp thực hiện căn hộ A và B theo nhu cầu người dân và thị trường", ông Đực đề nghị.

Mai Hà

Nguồn ảnh: Internet, ảnh chỉ mang tính minh họa
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 9/2012



No comments:

Post a Comment