Giảm giá để bán không phải dễ
Trong số các dự án căn hộ giảm giá bán gần đây, tâm điểm là dự án căn hộ cao cấp Hoàng Anh River View (phường Thảo Điền, quận 2, TP. HCM). Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Hoàng Anh Gia Lai), chủ đầu tư Dự án cho biết, sau hơn 2 tuần các nhà đầu tư thứ cấp công bố giảm giá từ hơn 25 triệu đồng/m2 xuống còn 18,2 triệu đồng/m2, đã có 122/160 căn hộ được bán. Trong đó, Công ty Đại Tín Á Châu đã bán được 90/120 căn hộ, Công ty An Binh Land bán được 32/40 căn.
Được biết, cuối năm 2009, trong đợt giảm giá bán từ 2.300 USD/m2 xuống 1.350 USD/m2 của chủ đầu tư, có 3 công ty bất động sản là Đại Tín Á Châu, An Bình Land và CTCP Đầu tư và phát triển Sacom đã mua sỉ 270 căn hộ Hoàng Anh River View. Giá mua xỉ chính thức từ chủ đầu tư lúc đó trung bình khoảng 21,3 triệu đồng/m2, hiện Công ty Đại Tín và An Bình quyết định bán ra căn hộ, còn Công ty Sacom không bán mà giữ lại để cho thuê.
Theo các chuyên gia, dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thị trường bất động sản TP. HCM không hoàn toàn đóng băng như nhiều người nghĩ.
Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp đã bị lỗ hơn 3 triệu đồng/m2, đó là chưa kể, nếu đây là số tiền doanh nghiệp phải đi vay thì còn phải cộng thêm tiền lãi và các chi phí khác. "Thà bị lỗ nhưng bán được hàng để thu hồi vốn còn hơn cứ để sản phẩm nằm im, tiền vốn bị kẹt, chi phí đội lên, doanh nghiệp còn thiệt hại nhiều hơn", ông Lê Hùng chia sẻ.
Qua ghi nhận của PV, dù không công bố giảm giá bán căn hộ như Hoàng Anh River View, song trên thực tế, thông qua các hình thức ưu đãi, khuyến mại, nhiều dự án có mức giá đã giảm từ 20 – 30% so với cách đây vài năm. Tuy nhiên, không phải dự án nào khi giảm giá cũng có thể bán được hàng.
Cuối năm ngoái, CTCP Địa ốc dầu khí (PVL) gây sốc cho thị trường khi giảm giá căn hộ Dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, TP. HCM) từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống 15,5 triệu đồng/m2, tuy nhiên vì chính sách không phù hợp, nên kết quả bán hàng không như mong muốn. Mới đây, Công ty Lê Thành giảm giá 2 triệu đồng/m2 cho Dự án chung cư Twin Towers từ 13,9 triệu đồng/m2 xuống còn 11,9 triệu đồng/m2, nhưng cũng không bán được hàng. Trước đó, Công ty Đại Thành cũng từng giảm giá bán Dự án Đại Thành (quận Tân Phú), nhưng cũng không bán được hàng.
Thị trường không đóng băng
Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, việc giảm giá bán căn hộ để tìm lối thoát có thể là một hướng đi, tuy nhiên, nếu giảm không đúng thời điểm, không có chính sách phù hợp sẽ dễ tạo ra tác dụng ngược, dự án rơi vào tình trạng sa lầy.
"Giá cả là điều quan trọng đối với người tiêu dùng, nhưng để khách hàng đưa ra quyết định mua sản phẩm lúc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như vị trí dự án, thương hiệu chủ đầu tư và đặc biệt là tiến độ dự án xây dựng đến đâu", ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nhận định và cho rằng, nhiều người nghĩ rằng hiện thị trường bất động sản đang bị đóng băng, nhưng thực tế không phải vậy.
Gần đây, nhiều dự án căn hộ, dù không giảm giá, nhưng nhờ có mức giá hợp lý, tiến độ xây dựng tốt, chính sách bán hàng linh hoạt vẫn thu hút sự quan tâm từ những người có nhu cầu nhà ở. "Chỉ sau 5 ngày tham gia hội chợ VietBuild từ 13 – 17/9, đã có hơn 500 khách hàng quan tâm đến các dự án do chúng tôi đang bán, trong đó, có 11 khách mua sản phẩm tại hội chợ. Như vậy, không thể nói thị trường bị đóng băng", ông Thanh nhận định.
Tương tự, bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, không thể phủ nhận, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với phân khúc căn hộ cao cấp, nhưng thị trường không hoàn toàn đóng băng như nhiều người nghĩ, mà ở một số dự án, tình hình giao dịch đang khá tốt.
"Cách đây vài tháng, tình hình bán hàng của Dự án Sunrise City ở quận 7 khá chậm chạp, nhưng sau khi chủ đầu tư tiến hành bàn giao căn hộ và đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng dịch vụ tiện ích, thì chỉ trong thời gian ngắn, dự án này đã bán được 30 căn", bà Loan nói và cho rằng, nhu cầu thật về nhà ở tại TP. HCM hiện nay rất lớn, tuy nhiên, điều mà khách hàng quan ngại lúc này là vị trí, chất lượng xây dựng, tiến độ hoàn thành của dự án. Những dự án có vị trí tốt, được chủ đầu tư xây dựng tốt, có chính sách hợp lý vẫn luôn bán được hàng.
"Bán tháo là chuyện bất đắc dĩ"
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Vinaland
Phải nói rằng, với giá bán căn hộ của nhiều dự án hiện nay, có cho không tiền đất, chưa chắc doanh nghiệp dám làm, vì chi phí xây dựng và lãi suất quá cao. Tất cả những dự án đang được bán gần đây đều là những dự án xây dựng trước đó, chứ hoàn toàn không có dự án mới.
Thông thường, trong trường hợp khó khăn như hiện nay, cần có sự can thiệp từ phía Nhà nước, như gia hạn, khoanh nợ cho các doanh nghiệp, hoặc đẩy mạnh tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản. Vì nếu để tình trạng này kéo dài, thị trường càng thêm hỗn loạn, người tiêu dùng càng bị mất niềm tin.
"Thị trường đã được định hình"
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn
Theo tôi, việc một số dự án gần đây công bố giảm giá là chuyện bình thường. Chuyện giảm giá đã xảy ra trên thị trường cách đây nhiều tháng, chẳng qua đến bây giờ doanh nghiệp mới chính thức công bố. Ngoài ra, các khách hàng cá nhân trước đây mua để đầu cơ, nay vì áp lực tài chính phải chấp nhận bán lỗ từ 30 – 40%.
Riêng với thị trường căn hộ có mức giá tầm trung, theo tôi, hiện nay giá đã định hình và người tiêu dùng đã chấp nhận. Thực tế, thị trường căn hộ gần đây đã tốt lên khá nhiều. Tuy nhiên, thị trường chỉ tập trung vào các dự án căn hộ có mức giá trung bình từ 1,5 tỷ đồng trở lại và dự án phải có tiến độ xây dựng tốt.
" Thị trường bị mất niềm tin quá lớn"
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Việt Nam
Trước hết phải nói rằng, nếu tính đúng, tính đủ từ tiền đền bù giải tỏa, tiền thuế, giá nguyên vật liệu đầu vào thì một dự án căn hộ ở vùng ven nếu bán với mức giá 10 – 11 triệu đồng/m2 đã là bằng hoặc thậm chí thấp hơn so với chi phí đầu tư. Với giá bán các dự án gần đây, có thể thấy rõ chủ đầu tư đã phải bán lỗ. Với những đơn vị không chịu nhiều áp lực tài chính, lúc này không ai bán tài sản, tuy nhiên, trong bối cảnh quá nhiều khó khăn như hiện nay, những người gặp khó khăn về tài chính không còn sự lựa chọn.
Song có một thực tế, thị trường càng tháo chạy, người mua càng sợ không dám mua, làm cho thị trường càng bị mất thanh khoản. Thị trường đang bị mất niềm tin quá lớn, tâm lý người mua đang e dè chờ giá xuống. Điều này cũng dễ hiểu, vì không ai có thể nói chắc, giá còn giảm nữa hay không.
No comments:
Post a Comment