Wednesday, October 17, 2012

'Giá chênh là khuyết tật lớn trong giao dịch bất động sản'



Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề "cò" hét giá chênh, cần phải có cơ chế "cứng".

- Một trong những dự án bất động sản gây sốt trên thị trường vừa qua là chung cư Đại Thanh với mức bán ra 10 triệu đồng/m2 song thực tế người mua vẫn trả thêm tiền chênh, quan điểm của ông như thế nào?

- Giá bán căn hộ chênh so với giá gốc vẫn là một "khuyết tật" rất lớn trong giao dịch của thị trường bất động sản Việt Nam và chúng ta chưa có cơ chế để khắc phục tình trạng này. Tình trạng phổ biến là tại các dự án bắt đầu được quan tâm, ngay lập tức có một lực lượng "cò" chen vào giữa. Thực tế, không đến khi dự án Đại Thanh được mở bán, trước đó, thậm chí các khu tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp cũng xuất hiện tình trạng này.

Đây là tình trạng không hay của thị trường, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó là việc không có giải pháp minh bạch, công khai ngay từ phía cơ quan quản lý và chủ dự án.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cần có cơ chế cứng đối với giao dịch bất động sản mới mong giải quyết tình trạng giá chênh hiện nay.

- Vậy với trường hợp của Đại Thanh thì sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng, hướng đi mà dự án Đại Thanh đã đưa ra là rất tốt cho thị trường. Sau hiện tượng Đại Thanh, tôi nghĩ nhiều nhà đầu tư cũng đang có hướng đưa ra nhà ở giá thấp vì đây là hướng đi phù hợp với thị trường. Về nguyên tắc, khi tham gia thị trường, bao giờ các đối tượng cũng phải đảm bảo điều kiện chất lượng cao, giá thành hạ. Một chủ đầu tư nào đó đi tiên phong trong việc này sẽ là tác động để các chủ đầu tư khác theo hướng đó. Tất nhiên, nhiệm vụ của nhà đầu tư này phải tạo được một cơ chế minh bạch, công khai sao cho "cò" không chen được vào giữa.

- Vậy làm thế nào để người dân có nhu cầu thực mua được nhà giá gốc mà không mất tiền chênh, thưa ông? 

- Thực tế thì trước đây, chúng ta cũng đã có cách để giảm thiểu và quản lý được tình trạng nhà đất bán trao tay qua các môi giới, đẩy giá cao hơn giá gốc. Ví dụ như giao cho sàn bất động sản có nhiệm vụ công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan tới giá dự án, căn hộ. Nhưng trong trường hợp này, có thể kết luận sàn giao dịch bất động sản không làm được, do đó mà "cò" vẫn có cơ hội chen vào để đẩy giá bán lên bằng cách thu thêm tiền chênh.

Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần có một cơ chế khác. Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành công khai minh bạch đối với các dự án đang được quan tâm cũng như tất cả các dự án khác. Cơ quan quản lý phải có thông tin để mà có thể minh bạch, công khai.

Thứ hai, bản thân chủ dự án cũng phải tiến hành minh bạch. Đó là yêu cầu tôi cho rằng không chỉ dùng cơ chế công khai minh bạch trên sàn giao dịch là có thể xử lý được. Chúng ta đừng tin sàn giao dịch là cơ quan đảm bảo mọi thứ minh bạch một cách tuyệt đối, điều này không có đâu. Sàn giao dịch là gì? Họ cũng là một doanh nghiệp, hoạt động hướng tới lợi nhuận.

Chúng ta phải có một cơ chế "cứng" là mọi việc liên quan đến giá cả, giao dịch phải được công khai tại cơ quan quản lý, tại trụ sở của các dự án đầu tư.

- Với căn hộ 10 triệu đồng/m2 gây sốt thời gian vừa qua, ngoài vấn đề giá chênh, còn là các lo ngại của người mua về pháp lý như cấp sổ đỏ, sổ hồng, cần nhìn nhận như thế nào?

- Nếu một dự án đã được triển khai, chào bán, về phía cơ quan quản lý cần đứng ra xác nhận dự án này đã có đầy đủ thủ tục công khai để người mua không còn lo ngại khi góp vốn. Còn giả sử, trong trường hợp dự án không đủ thủ tục triển khai thì cơ quan quản lý cũng phải đưa ra một văn bản cho thấy dự án không được triển khai nữa vì chưa đủ thủ tục. Ở đây có 2 điều, hoặc A, hoặc B và cơ quan quản lý phải xác nhận chứ không thể để tình trạng lửng lơ, người mua không biết thế nào mà lần.

Hoàng Anh

Theo Infonet



No comments:

Post a Comment