Thursday, October 25, 2012

Hỗ trợ người mua để khơi thông ở đầu ra cho bất động sản "tồn kho"

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng rằng bất động sản (BĐS) đang là loại hàng hóa tồn kho lớn nhất. Hiện nay, cũng theo các thông tin từ QH, thì số tiền hiện đang chôn trong các dự án BĐS là khoảng trên 1 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 50 tỷ USD). Nhưng nếu tính cả số BĐS làm tài sản thế chấp (tức là không thể tham gia trực tiếp vào thị trường BĐS) thì sẽ là khoảng 3 đến 4 triệu tỷ đồng. Những con số thật khủng khiếp trong nền kinh tế quy mô GDP là 100 tỷ USD của Việt Nam.

Giải pháp cấp bách và cần thiết hiện nay chúng tôi đã nghe nhiều bộ, ngành và các cơ quan của Chính phủ đề cập. Nhưng chưa thấy có phương án nào thực sự giải quyết được nút thắt này, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung của thế giới hiện nay.

 

Vậy tôi xin được đóng góp một vài kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, thông qua việc phân nhóm khối tài sản BĐS thành các nhóm như sau:

 

+ Thứ nhất: vấn đề khối tài sản 1 triệu tỷ là đã hình thành thông qua các công trình đã hoàn thành hoặc đang dang dở. Như vậy khối tài sản này cần phải được giải phóng vào thị trường BĐS. Để làm được việc này cần có sự khơi thông ở đầu ra, tức là tạo điều kiện tối đa để người mua nhà có thể mua được nhà. Đây là một bài toán khó, nhưng nếu Nhà nước can thiệp thì chắc vấn đề sẽ được giải quyết.

 

Theo tôi, cách giải quyết đơn giản và hiệu quả nhất là hỗ trợ, giúp đỡ người mua nhà vay thêm được đủ tiền để mua các căn hộ này với lãi suất cơ bản (khoảng 9%/năm). Cam kết cho vay trong thời gian dài (từ trên 3 đến 5 năm) với lãi suất không đổi. Việc này nếu làm được có thể giúp giảm một lượng tiền tương đối lớn của Nhà nước, nhưng nó lại giúp thông được đầu ra với các sản phẩm đã hoàn thành.

 

+ Thứ hai: đối với nhóm các sản phẩm đang xây dựng (dang dở) thì vấn đề hiện nay là hầu hết các chủ đầu tư  (CĐT) đều đang thiếu vốn trầm trọng, nên không thể triển khai tiếp các dự án này được. Từ đó kéo theo hệ lụy là rất nhiều nhà cung cấp vật tư, thiết bị cũng bị nợ theo. Vẫn lại cần giải pháp là sự quyết tâm và hy sinh của Nhà nước thông qua việc bơm vốn giá rẻ với điều kiện thật ưu đãi để giúp các CĐT tiếp tục triển khai thi công, hoàn thiện được dứt điểm các công trình này.

 

Hỗ trợ người mua để khơi thông ở đầu ra cho thị trường bất động sản

 

+  Thứ ba: những vấn đề tồn đọng trong các giao dịch trong thị trường BĐS như nợ lẫn nhau giữa CĐT dự án với các nhà cung cấp, người mua, ngân hàng …cần phải được cô lập hóa và giải quyết dứt điểm với khả năng cao nhất, trước khi cho phép các CĐT  được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi này và coi đây như một điều kiện tiên quyết buộc các CĐT phải tuân theo.

 

+ Cuối cùng: các giải pháp này phải nên được thực hiện đồng bộ và khách quan, minh bạch. Tránh triệt để tình trạng nhũng nhiễu, đặt điều kiện của những người thực thi công tác thẩm định, rót vốn. Như vậy các dự án mới được hồi sinh và người tham gia thị trường BĐS mới lại có lòng tin vào thị trường này để tiếp tục tham gia.

 

Tôi cho rằng, hệ quả của những chính sách này là thị trường BĐS chắc chắn sẽ tan băng, quá trình diễn ra nhanh chậm là do sự quyết tâm của Chính phủ và đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

 

Tiếp theo là các giao dịch BĐS sẽ tăng dần, nguồn thu thuế của Nhà nước sẽ hồi phục và tăng theo (do tổng giao dịch hàng hoá tăng). Các doanh nghiệp BĐS sẽ sống lại, người mua có nhu cầu thực sẽ có nhà trước khả năng (do được hỗ trợ sớm và rẻ). Các doanh nghiệp cung cấp vật liệu, hàng hóa sẽ thu hồi được công nợ, tái đầu tư sản xuất do đã có doanh thu và nhu cầu ngày càng tăng.

 

Người được lợi cuối cùng sẽ chính là Nhà nước do ổn định được kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, hiện đại hóa thủ đô, phát triển các chính sách dân sinh. Và tuyệt vời hơn đó là LÒNG TIN của người dân vào Chính phủ với những quyết sách đúng đắn và kịp thời. Việc này nếu thành công, tôi nghĩ có thể sẽ trở thành bài học cho các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới.

 

Trân trọng cảm ơn!

 

Tran Cong Thanh 

tcongthanh@gmail.com



No comments:

Post a Comment