Tuesday, October 2, 2012

Khách tố chủ dự án 'Nơi ước đến,chốn mong về' phạm luật


Sáng 2/10, hơn 30 khách hàng mua biệt thự, liền kề thuộc giai đoạn 1 của dự án Splendora (Bắc An Khánh) đã kéo đến trung tâm nhà mẫu của Splendora tại An Khánh để kiến nghị những nội dung mà khách hàng cho là bất hợp lý trong quá trình mua bán biệt thự tại dự án. Theo một chuyên gia bất động sản, những tranh chấp như thế này chỉ xảy ra ở thời điểm bất động sản đóng băng…

Dự án Splendora do An Khánh JVC (liên doanh giữa Vinaconex và Posco EC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án có quy mô lớn 264ha đang được triển khai giai đoạn 1 và 2 tại xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh (Hà Nội). Được quảng cáo là "Nơi ước đến, chốn mong về", nhưng đến thời điểm này, giá nhà đất của dự án này đang giảm giá rất mạnh.

Theo quan sát của phóng viên, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự bất đồng giữa khách hàng và chủ đầu tư, trong đó các vướng mắc nhiều nhất từ phía khách hàng là các vấn đề về chênh lệch giá trị hợp đồng góp vốn khi chuyển sang hợp đồng mua bán, tiến độ đóng tiền; chất lượng công trình… – là những vấn đề ở thời điểm cách đây vài năm không ai quan tâm tới, vì ở thời điểm đó để mua được một suất biệt thự giá gốc ở đây, người ta đã phải chấp nhận chênh lệch tới hơn 10 tỉ đồng/căn.

Tại cuộc chất vấn chủ đầu tư sáng 2/10, theo nội dung phản ánh của khách hàng Splendora, cuối năm 2009 khi mua biệt thự dự án Bắc An Khánh dưới dạng hợp đồng góp vốn thì một giá, đến khi chuyển sang hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư lại áp dụng giá khác. Tính ra mỗi căn liền kề, biệt thự khách hàng phải trả thêm ít nhất cũng phải mất 2 tỉ đồng. Thậm chí, theo tính toán của một khách hàng, khoản tiền thu được từ cách tích toán có lợi cho mình này có thể đem về cho Công ty An Khánh JVC khoảng 800 tỉ đồng.

Công trường dự án Splendora Cũng theo đại diện phía khách hàng, việc thu chênh lệch giá trị từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán của chủ đầu tư là sai quy định của pháp luật. Cụ thể là vi phạm theo quy định tại Nghị định 153 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo khách hàng này, luật quy định khi khách hàng ứng trước tiền để cho chủ đầu tư làm dự án thì khách hàng ký hợp đồng mua bán mua bất động sản đó và giá mua phải bằng giá trong hợp đồng góp vốn. Trong thời gian chỉ từ cuối năm 2009 đến giữa năm 2011, giá trị chênh lệch giữa hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán tính ra tăng gần 10 triệu đồng/m2.

Về vấn đề này, đại diện cho An Khánh JVC – ông Hoàng Thế Trung – Phó Tổng giám đốc An Khánh JVC – cho biết, thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng góp vốn với khách hàng thì sản phẩm được tính giá bằng đồng USD. Tuy nhiên, vào thời điểm ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải điều chỉnh lại giá theo quy định tại văn bản quản lý ngoại hối của Nhà nước. Trong đó, giá bán bất động sản phải là giá cố định bằng VND.

Còn về việc vì sao lại có phần chênh lệch giữa 2 cách tính toán này thì ông Trung giải thích do 3 nguyên nhân: Một là do từ thời điểm chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, Công ty An Khánh JVC phải chịu chi phí đầu vào tăng; hai là do chi phí rủi ro; ba là do tính lại giá thị trường thời điểm đó.

Một vấn đề khác gây phản ứng của khách hàng với chủ đầu tư là chất lượng biệt thự. Nhiều khách hàng phản ánh, theo hợp đồng mua bán giá trị lô đất xây dựng biệt thự chỉ vài trăm triệu đồng. Đơn cử như lô biệt thự 210m2 giá trị lô đất chỉ 593 triệu đồng, chiếm chỉ 5% giá trị hợp đồng, còn lại đến 95% là giá trị hạ tầng và giá trị xây dựng biệt thự. Khách hàng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ vấn đề này.

Bên cạnh đó, các khách hàng cũng bày tỏ bức xúc về việc tiến độ đóng tiền của dự án. Theo đó, đến nay tổng giá trị mà các khách hàng đã đóng cho Công ty An Khánh JVC là 70% giá trị hợp đồng. Trong khi đó, đến nay hạ tầng kỹ thuật và xã hội giai đoạn 1 của dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện.

Vấn đề này, ông Trung phân trần tại buổi họp, hiện nay Công ty đang thi công cơ sở hạ tầng của khu đô thị, một số hạng mục như hồ điều hòa, khu vui chơi, cây xanh mặc dù chưa hoàn chỉnh, nhưng cũng đã thành hình.

Giải thích này của ông Trung đã không được khách hàng chấp nhận, vì  theo hợp đồng, đến quý II/2012 là khách hàng sẽ được bàn giao nhà, nhưng hiện tại thì hạ tầng không có, người dân không thể nhận nhà về ở. Đó là chưa kể ngay cây cầu vượt bắc ngang qua Đại lộ Thăng Long, giúp cư dân tương lai của Slpendora rút ngắn quãng đường vào nội đô, cũng khó có thể hoàn thiện trong vài ba năm tới. Nguyên nhân là do phía đầu cầu bên kia vướng khu dân cư và khu nghĩa trang rộng lớn chưa giải tỏa.

Vì vậy, muốn đi vào nội đô, cư dân tương lai của Slpendora sẽ phải vượt qua con đường độc đạo dẫn vào khu đô thị bị xe tải cày nát, rồi vượt qua đường gom nhỏ hẹp và đông xe cộ của tuyến Đại lộ Thăng Long. "Dự án như ốc đảo thế thì liệu bao giờ mới có thể về ở được?" – một khách hàng bức xúc đặt câu hỏi.

Theo cam kết của ông Trung, Công ty An Khánh JVC sẽ trả lời các kiến nghị của khách hàng bằng văn bản muộn nhất là đến 10.10.

Được biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ đông, cùng với tình hình tài chính khó khăn, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex đã đề nghị lãnh đạo liên doanh An Khánh xem xét dãn tiến độ dự án.

Tuy nhiên, Posco là doanh nghiệp Hàn Quốc đã không đồng ý. Dự án do vậy vẫn được triển khai, trong khi khả năng hấp thụ sản phẩm của thị trường ở mức rất thấp. Mặt khác, do giá chào bán sản phẩm của dự án Splendora quá cao, khiến tính thanh khoản chung cư, biệt thự của dự án này trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều giảm mạnh.

Theo laodong



No comments:

Post a Comment