Khi đất đai không biến thành… sổ tiết kiệm
Với hy vọng “tiền vào trong đất tiền chửa, tiền đi ra khỏi đất tiền đẻ”, người dân đã chôn, cất tiền của vào trong đất. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ được thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh chưa từng thấy trong vòng hơn 1 năm nay.
Chị Thanh Thảo (cán bộ sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, năm 2010 vợ chồng chị dành dụm được một khoản tiền, không biết đầu tư vào đâu mà gửi tiết kiệm thì sợ mất giá nên anh chị quyết định mua một lô đất biệt thự tại dự án Hoàng Vân (Mê Linh) với giá 16 triệu đồng/m2. Mục đích của gia đình chị Thảo đầu tư lâu dài, sau này chị sẽ bán đi để có chút vốn cho con đi du học. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tiền đầu tư của chị đã hao đi quá nửa do giá đất khu vực Mê Linh đã mất giá 30-40%.
Việc thị trường đóng băng khiến đất bị mất giá 20-30%, nếu cộng lãi vay thì mức lỗ lên đến 40-50%.
Cũng giống như hoàn cảnh chị Thảo, ông Nguyễn Đức Chính, một công chức nhà nước cho biết, vào thời điểm nhà nhà đều đi đầu tư bất động sản, gia đình ông đổ hết vốn liến tích cóp và vay mượn tiền để mua đất mảnh đất rộng 100 m2 tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, ngay cạnh chân cầu Nhật Tân. Thời điểm đầu năm 2011, ông mua với giá 45 triệu đồng/m2 nhưng hiện giờ giá giảm còn 30-32 triệu đồng/m2. Nhẩm tính ra khoản tiền đầu tư đã hao hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chưa kể khoản tiền vay mượn ngoài để đầu tư mà hàng tháng ông vẫn phải gom góp để trả lãi và tiền gốc.
Sự sụt giảm trên diện rộng của thị trường bất động sản trong thời gian qua, theo nhìn nhận giới nghiên cứu, thì những khu vực đã từng là tâm điểm của thị trường hiện đang dẫn đầu về mức độ mất giá. Những dự án nào đã từng bị giới đầu tư "thổi phồng" giá trị giờ giảm mạnh nhất.
Đơn cử, khu đô thị Bắc An Khánh – Splendora là minh chứng điển hình. Được quảng cáo rầm rộ như một "Nơi ước đến, chốn mong về", cho đến ngày hôm nay, nhiều dân đầu tư vẫn ngơ ngác không hiểu giá đất nền tại dự án Splendora lại giảm nhiều và nhanh đến vậy bất chấp chủ đầu tư dự án vẫn tất bật triển khai công trình, giữ nghiêm về tiến độ. Với giá gốc hơn 1.100USD/m2 ở thời điểm "đỉnh cao" giá chênh mỗi căn liền kề ở đây lên tới ngót nghét 10 tỉ đồng/căn, thì nay cũng những dãy liền kề thuộc giai đoạn một của dự án đang được nhiều nhà đầu tư rao bán ồ ạt với mức chênh từ 1,5 đến hơn 2 tỉ đồng/căn, bằng 1/5 giá chênh giai đoạn cao trào.
Tương tự, dự án ParkCity Hà Nội đình đám một thời, từng có giá ngất ngưởng liền kề diện tích 120m2 theo kiểu chìa khóa trao tay giá gốc 400.000USD; biệt thự có giá 800.000USD (chưa bao gồm thuế VAT), kèm với tiền chênh từ 700 triệu đến 3-4 tỉ đồng/lô tùy vị trí và diện tích, thì nay cũng các diện tích này đang được các "chủ nhà" rao bán với giá gốc, lỗ tiền chênh và lãi suất, thậm chí chào bán dưới giá gốc đến 15-20% tùy độ "khát tiền mặt".
Làn sóng rút tiền
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chính đó là ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải giãn tiến độ triển khai, thậm chí ngừng hẳn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã phải chịu những áp lực lớn từ phía khách hàng do những cam kết không được thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Khi việc đầu tư bất động sản không còn dễ dàng sinh lời, nhiều người đã tìm cách tháo chạy khỏi thị trường bằng mọi cách. Trong đó, tại nhiều dự án đã xảy ra tình trạng bị các công ty thứ cấp bán phá giá. Chủ đầu tư dự án mở bán hàng đợt 2 với mức giá thấp hơn đợt 1. Các nhà đầu tư mua dự án trên giấy thì ồ ạt đòi xin rút vốn với muôn vàn lý do như dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư vi phạm cam kết…
Thực tế, trong suốt những tháng đầu năm 2012, làn sóng rút vốn trên thị trường đã ngày càng phổ biến, nhất là tình trạng các nhà đầu tư tập hợp phản đối các chủ đầu tư dự án vi phạm cam kết để đòi rút vốn. Thêm vào đó, ngày càng nhiều những vụ tranh chấp nảy lửa giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án bất động sản. Đây là điều mà không ai mong muốn.
No comments:
Post a Comment