Friday, October 26, 2012

Thị trường bất động sản: Bên muốn cứu, bên nói Không!

(ảnh minh họa: Lao Động)

(ảnh minh họa: Lao Động)

 

Giá phải trả

 

Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) đang bị coi là đóng băng, nhưng trên thực tế nhu cầu có được nơi ăn chốn ở của rất nhiều người dân vẫn chưa được đáp ứng, bởi đơn giản là giá nhà đất ở VN nói chung vẫn rất… trên trời so với mức thu nhập chung của người lao động.

 

"Đây là cái giá phải trả cho sự thao túng và làm giá BĐS của một nhóm lợi ích, nhà nước không việc gì phải can thiệp. Ông BT nói “cung vượt quá cầu….BĐS là xương sống của nền kinh tế”, tôi nghĩ là không đúng… VN là nước thu nhập bình quân đầu người chưa được 1.200$/ năm, nhưng lại có giá BĐS thuộc loại "ảo" nhất thế giới đó" – Trần Đăng Tuấn:  chomchom208@yahoo.com

 

Cũng với quan điểm trái ngược lại với "ông Bộ" như thế, bạn đọc nhấn mạnh những nút thắt cần được tháo gỡ theo cách nhìn nhận của người dân:

 

"Theo tôi thì BĐS “tồn kho” lớn do 4 nguyên nhân sau:

 

Một là Giá cao: do qua nhiều khâu trung gian + lạm phát khi xây dựng + thổi giá gây tình trạng bong bóng.

 

Hai là do Đầu cơ: găm hàng không giảm, đợi những doanh nghiệp BĐS yếu 'chết' trước và khi nào giá BĐS đi lên lại mới bán ra.

 

Ba là do Tâm lý tiêu dùng: chất lượng lo ngại dịch vụ căn hộ không bảo đảm + người dân quen ở nhà mặt đất dù giá cao họ vẫn cố mua do vẫn e ngại ở căn hộ trên cao.

 

Bốn là Cung và Cầu chưa tương thông: nhu cầu mua cao nhưng không dồn dập mà dàn trải nhiều năm, trong khi nguồn cung không nhiều nhưng quá dồn dập. Giống như uống thuốc cũng phải từ từ, uống 1 lần cả nắm thì…mắc nghẹn" – Võ Thanh Bình: eragonzs@yahoo.com

 

(minh họa theo internet)

 

Hai thế chờ đợi

 

Bởi những điều thậm vô lý như thế, nên thị trường BĐS VN mới rơi vào tình cảnh "khẩn cấp" để rồi lại được Bộ Xây dựng đặt vấn đề “trình Thủ tướng thành lập nhóm chuyên trách xử lý các rào cản tạo ra giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn" thay…

 

Vấn đề là nút thắt khó có thể được tháo gỡ, khi nguồn Cầu tuy rất cao nhưng vẫn không thể gặp nguồn Cung (cũng cao không kém). Lý giải của người dân về việc bên Cầu "ngồi chờ" giá trở về mức thực tế, xem ra rất khác với sự cũng "ngồi chờ" của bên Cung nhưng là chờ được cứu, để giá vẫn quá cao so với sức mua thực của người dân.

 

"Túm lại là nhân dân không mua bán BĐS nữa, chờ khi nào nó về với giá trị thật thì mua. Mặt bằng thu nhập thì thấp, giá BĐS VN thì cao hơn cả của Mỹ? Thời buổi kinh tế thị trường thế này, doanh nghiệp (DN) giỏi thì dù hạ giá sản phẩm vẫn có lãi thì người cần mới mua. Chứ vẫn không chịu hạ xuống đúng giá trị thực thì… chết là phải thôi, đòi hỏi cái gì nữa nhỉ? Thị trường BĐS thực ra có làm ra của cải vật chất gì đâu mà "cứu"? Quan điểm của tôi là chỉ nên cứu các doanh nghiệp làm ra của cải vật chất làm giàu cho đất nước, thu được nhiều ngọai tệ về. Còn BĐS thì mặc họ cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng cũng như thái độ phục vụ. Chứ mấy ông BĐS mà cứ như mấy… ông tướng, trong khi chất lượng nhìn chung  là vẫn còn kém…" – Thanh:  thanhngocps@yahoo.com.vn

 

Quy luật thị trường với sự tự điều chỉnh của nó được nhấn mạnh trong rất nhiều ý kiến bạn đọc, bởi bất kỳ ai khi đã tham gia cuộc chơi thì điều trước tiên là phải tuân thủ luật chơi:

 

"Phải như tiến sĩ Alan Phan đã nói “Drop to dead” (tức là “cho nó chết đi”), rồi phải giảm xuyên đáy 30% nữa thì thị trường BĐS tự khắc phục hồi. Các ông lãi nhiều rồi bây giờ phải chấp nhận lỗ, đừng tạo sức ép lên Chính phủ. Phải thực sự vì dân thì đất nước này mới phát triển được" – Maily: maily@gmail.com:

 

"Tôi khuyên các doanh nghiệp BĐS nên hạ giá hơn nữa và mạnh mẽ lên, hãy nhìn vào phân khúc thị trường đa số ấy. Tôi cũng kiến nghị Chính phủ không dùng bàn tay nhà nước vào trong trường hợp này, vì một điều là mục đích của Chính phủ không phải là tối đa hóa lợi ích xã hội hay sao? Đại bộ phận dân ta chưa có nhà, cho nên đây cũng là cơ hội. Quy luật kinh tế thị trường ắt sẽ lập lại giá trị thực của BĐS.

 

Các DN BĐS cũng đừng nên cứ cố găm giữ hàng, bởi kinh doanh BĐS đã phát triển nóng bỏng trong thời gian dài và tiền lợi nhuận bỏ túi các DN rất nhiều. Khi đó hình như các DN BĐS… hoa mắt mà không thấy nói gì, cũng chẳng để ý gì đến nhu cầu khó khăn của phân khúc đa số người dân. Nay khó khăn lại kêu ca? Vậy lúc trước họ có biết những cái khó của dân không, hay chỉ biết bỏ tiền vào túi mình thôi?

 

Đừng kêu nữa, hãy hạ giá nữa đi mà tồn tại. Hãy nghiên cứu lại chiến lược KD phục vụ phân khúc đại đa số nhu cầu của thị trường mà nhắm tới. Rõ ràng cầu ở khu vực này còn tăng lắm, chỉ có DN cố tình không nhìn ra thôi. Các DN bất động sản hãy làm sao để tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng, có như vậy mới làm tối đa hóa lợi ích của mình được…" – Lã Bất Vi: hailaphuong@yahoo.com.vn

 

"Qui luật thị trường để thị trường tự điều chỉnh, tốt nhất Bộ XD đừng tham gia vào. Điều ai cũng biết là để cứu BĐS chỉ có cách hạ giá và tham gia vào đó phải là những nhà đầu tư (NĐT) có năng lực. Hiện nay các NĐT đa phần là tư nhân "tay không bắt giặc", vay tiền ngân hàng, chạy dự án để làm mà có khi chẳng có nghiệp vụ gì về đầu tư xây dựng. Cái lãi mà họ có được chủ yếu là do lách được cơ chế, nhưng qui luật thị trường thì cơ chế chỉ đảm bảo được 1 phần mà thôi. Bộ XD có cứu gì đi nữa, tôi e là cũng chỉ thêm rối mà thôi. Cần phải để (có thể đến 50%) DN BĐS phá sản, ngân hàng thu đấu giá mới thay đổi được tình hình…"  - Hh.link: hh.link@yahoo.com

 

(minh họa theo internet)

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng nếu bất động sản khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô (ảnh: Thông Chí) 

 

Để dòng tiền lưu thông

 

Tương tự như từng nhiệt tình góp ý về vấn đề giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng, bạn đọc thêm một lần nữa đề xuất nhiều ý kiến nhằm khơi thông dòng chảy cho nguồn tiền và vàng được cho là còn đọng trong dân khá lớn:

 

 "Hiện nay tiền vàng trong dân rất lớn, nhu cầu nhà ở cũng rất nhiều, nhưng BĐS không bán được là do vẫn bị đầu cơ nâng giá quá cao. BĐS hạ xuống trở về giá trị thực  thì sẽ bán được, dòng tiền trong xã hội sẽ lưu thông. Khi BĐS đang có giá, ai cũng biết  người buôn bán BĐS là những người giàu (người nghèo làm sao có tiền mà buôn BĐS). Lúc đó lãi họ hưởng, đến nay BĐS hạ giá sao lại yêu cầu nhà nước lấy tiền của dân để hỗ trợ họ? Muốn tránh phá sản, muốn tránh thị trường BĐS đổ vỡ chỉ có cách là: Hạ giá đến mức nhu cầu chấp nhận được mà thôi" – Đỗ Nhật Minh: donhatminh2010@gmail.com

 

"Tôi đồng ý với các bạn. Nhà nước nếu muốn cho thị trường thực sự minh bạch và được thanh lọc một cách sòng phẳng, thì hãy để thị trường tự điều tiết. Có chăng Hà Nội cần có những định hướng và can thiệp vào sản phẩm tạo ra nhưng căn hộ có quy mô diện tích theo từng khu vực. Theo tôi, căn hộ có diện tích sử dụng hợp lý khoảng 65m2 đến 85m2. Còn nếu nói cứu thị trường BĐS mà bằng mấy thứ lý thuyết suông, chẳng đi đến đâu thì muốn bán được khối lượng khổng lồ BĐS đang “ế” phải có lượng tiền tương ứng, mà tiền ở đâu?? Hay chăng bán cho các ngân hàng???" – Nguyễn Văn Dương:  duong203nv@yahoo.com

 

Và để làm được điều đó, nên chăng cần lưu ý điều được nick Dân làm dự án inhuvn@yahoo.com.vn phân tích và đề xuất:

 

"Tình trạng bất động sản hiện nay là do chiến lược kinh doanh không nhằm vào thị trường tiêu dùng đích thực, trước kia chủ yếu tập trung vào đầu cơ nên các DN đua nhau thực hiện dự án cao cấp. Tuy nhiên giờ các DN đã thấm đòn và hiểu được nên thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhưng lại vướng mắc rất nhiều thủ tục ví dụ như: Quy hoạch đã phê duyệt, đã có cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục cấp đất mà nếu DN điều chỉnh được những cái này có lẽ cũng mất vài năm (Thủ tục tại Hà Nội đặc biệt khó khăn, kéo dài và thường gây khó cho DN). Chắc khi điều chỉnh được thành căn hộ nhỏ giá rẻ với những chi phí ngoài rất lớn và nuôi bộ máy DN để theo đuổi sự thay đổi này, thì có lẽ DN đã phá sản rồi.

 

Theo tôi nghĩ, cần có một ban đặc biệt của UBND Hà Nội lập ra có thể giải quyết thủ tục nhanh gọn, may ra DN còn có cơ hội sống sót. Còn nếu vẫn như tình trạng hiện nay thực hiện theo dự án phê duyệt cũng chết, thay đổi theo các bước trình tự như lâu nay cũng chết. Nói chung, tóm lại là DN chết, người dân không có cơ hội mua nhà, còn các vị đã giàu nhờ BĐS thì chỉ bị… "đói" hơn chút thôi".

 

Khánh Tùng



No comments:

Post a Comment