(HNM) - Trong thời gian dài, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường (NLT) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bộc lộ sự thiếu chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bỏ đất hoang hóa, chuyển nhượng mua bán trao tay, cho thuê, giao khoán trái luật vẫn diễn ra phổ biến… Đáng bàn là hiện nay việc khắc phục hậu quả gặp muôn vàn khó khăn…
Một góc khu nuôi dưỡng bò tại Trung tâm tinh đông lạnh Môncađa. Ảnh: Bá Hoạt
Vi phạm tràn lan
Kết quả rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai nông trường, lâm trường, trạm trại (gọi tắt là nông lâm trường) trên địa bàn thành phố của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tình trạng buông lỏng quản lý sử dụng đất đai ở đây đã kéo dài từ nhiều năm nay. Hầu hết các NLT không có bản đồ, hồ sơ địa chính; việc thống kê, kiểm kê, rà soát hiện trạng sử dụng đất hằng năm thực hiện chưa đầy đủ. Mặc dù Nhà nước đã chỉ đạo sắp xếp lại theo đề án “Sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quốc doanh NLT”, nhưng đến nay nhiều NLT vẫn “trống” quy hoạch chi tiết hoặc chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số đơn vị còn né tránh việc xác định quỹ đất cần giữ lại sử dụng và chưa thực hiện bàn giao phần quỹ đất không có nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý. Hồ sơ nguồn gốc đất của nhiều NLT thiếu chính xác, chênh lệch lớn giữa diện tích thực tế quản lý với diện tích được giao. Đơn cử như diện tích đất của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì hiện đang quản lý chênh lệch so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới hơn 169ha; Xí nghiệp chè Lương Mỹ là 110,3ha; Công ty cổ phần Chè Long Phú hơn 45ha; Xí nghiệp Giống cây trồng Hà Tây hơn 13ha; Trại Lâm nghiệp Thường Tín gần 577m2; Trạm Thực nghiệm và Chuyển giao kỹ thuật (huyện Chương Mỹ) 546m2…
Nhức nhối kéo dài nhiều năm nay là tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở trái pháp luật diễn ra khá phức tạp, rất khó xử lý. Cụ thể, Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Môncađa chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nhưng đã tự chuyển đổi mục đích 20,48ha đất nông nghiệp giao cho 209 hộ làm nhà, vườn. Trạm Thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì quản lý hơn 210,6ha nhưng không giao khoán, chỉ giao cho công nhân và hộ dân trông nom, bảo vệ rừng theo hình thức thỏa thuận, không ký hợp đồng. Trạm này đã giao gần 4,8ha cho 22 hộ ở khu vực Cẩm Quỳ, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì mượn đất làm nhà, làm vườn và 12 hộ khu vực Đá Chông, xã Ba Trại làm nhà ở. Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì tự ý giao 20,81ha đất cho các hộ gia đình sử dụng làm nhà ở, làm vườn và ký hợp đồng có thu tiền giao đất cho một số tổ chức thuê với thời gian 30 năm…
Lúng túng trong quản lý
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm đất đai tại các NLT trước hết là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản với chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng đất đai dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở kiên cố trái phép trên đất nhận khoán. Việc sắp xếp đổi mới và phát triển NLT quốc doanh trên địa bàn thành phố vừa chậm và thiếu đồng bộ. Các NLT đã thực hiện cổ phần hóa từ nhiều năm nay nhưng chưa làm thủ tục thuê đất với nhà nước đã gây thất thu cho ngân sách trong thời gian dài. Công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng đất đai tại các NLT chưa thực hiện thường xuyên, từ sau hợp nhất đến nay, chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra đất NLT trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, một nguyên nhân nữa dẫn đến buông lỏng quản lý sử dụng đất đai là do chưa xác định rõ trách nhiệm giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NNPTNT trong quản lý đất NLT. Về cơ chế sử dụng đất của NLT đều do cơ quan chủ quản điều phối, ký hợp đồng giao khoán dẫn đến chức năng quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương bị hạn chế và thiếu sự kiểm tra, hướng dẫn, giám sát…
Nhiều ý kiến cho rằng, để từng bước giải quyết tình trạng trên cần rà soát lại việc quản lý sử dụng đất tại các NLT để lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất. Trên cơ sở đó, tổng hợp diện tích đất cần sử dụng và diện tích không sử dụng của các NLT để có kế hoạch thu hồi, đặc biệt là số diện tích sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng mua bán, liên doanh… đất trái phép. Ở khía cạnh khác, đề nghị Chính phủ phân định rõ chức năng của các cơ quan, tránh sự chồng chéo như hiện nay. Với Bộ NNPTNT chỉ nên thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành, các nội dung liên quan đến quản lý đất đai NLT thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường và chính quyền địa phương mới hiệu quả.
No comments:
Post a Comment