Thị trường bất động sản và chứng khoán “thảm” hơn mọi năm nhưng lượng kiều hối đổ về Việt Nam sau nửa năm 2012 đã bằng 70% cả năm ngoái.
Kiều hối về Việt Nam năm 2011 ước đạt 9 tỷ USD
Đôla ngân hàng chạm 20.900 đồng
Bất động sản vẫn được xem là ngành “hút” kiều hối nhiều nhất. Năm 2011, lĩnh vực này thu về 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối của năm. Do đó, việc thị trường nhà đất đóng băng như trong năm nay được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng đến “dòng chảy” của kiều hối.
Lý giải với VnExpress.net về những lo ngại này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Ngoại hối và sản phẩm phái sinh của TienPhong Bank – cho hay, bản thân tình hình kinh tế thế giới trong thời gian qua cũng không ổn định nên thu nhập của những người nắm giữ ngoại hối sẽ không cao bằng năm trước. “Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, ngoài mục đích hỗ trợ người thân trong nước, mục đích chủ yếu vẫn là để đầu tư. Tuy nhiên, hiện thị trường đang trầm lắng nên việc này khá khó khăn”, ông Tuấn cho hay.
Nhiều chuyên gia vẫn tự tin vào khả năng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh vào cuối năm. Ảnh: Anh Quân.
Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, 6 tháng đầu năm kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, bằng 70% so với cả năm 2011. Một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể tăng 20% và đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD, và cao hơn mức tăng trung bình 10% – 15% của những năm gần đây. Nguyên nhân là theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Tuấn cũng cho rằng có nhiều cơ hội để kiều hối đổ về nước tăng mạnh hơn năm ngoái mặc dù thị trường trong nước còn khó khăn. “Có thể sắp tới nhiều người muốn đón đầu xu hướng làn sóng bất động sản, cổ phiếu sau khi chạm đáy sẽ phục hồi nên lượng kiều hối có thể tăng. Chưa kể là vẫn có những nhu cầu thực sự của việc hỗ trợ người thân ở trong nước nên tôi nghĩ từ nay đến cuối năm, lượng kiều hối sẽ còn tăng mạnh nữa”, vị này nhận định.
Những năm trước, nhiều người Việt sau khi nhận tiền kiều hối thường thích trữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do thay vì bán cho ngân hàng. Mặc dù hướng này bắt đầu có sự chuyển dịch nhẹ sang việc đổi trực tiếp tại ngân hàng nhưng ông Trịnh Hoài Nam, Phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, vẫn thừa nhận, tâm lý của người dân vẫn thích trao đổi tại “chợ đen” nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nam, gần đây các nhà băng đã bắt đầu rút dần sự chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do, bán cho ngân hàng và thị trường tự do không “vênh” nhiều như trước kia.
Về tỷ giá, sáng nay giá bán đôla Mỹ tại nhiều ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, BIDV đồng loạt ở mức 20.910 đồng. Trong khi đó, ở chiều mua vào, tỷ giá tại các nhà băng dao động từ 20.850 đồng – 20.870 đồng. Theo nhiều chuyên gia, việc tỷ giá tăng và vượt 20.900 đồng như trong tuần vừa qua chưa có gì đáng lo ngại.
Trên thị trường tự do, tỷ giá đôla Mỹ bán ra cũng không chênh lệch mấy so với ngân hàng. Tuy nhiên, giá mua vào lại nhỉnh hơn đôla ngân hàng khoảng 10 – 20 đồng khi dao động quanh 20.870 đồng – 20.885 đồng. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung cho biết, bắt đầu từ tháng 9, lượng người dân đến bán đôla tại cửa hàng này tăng mạnh và bớt cảnh ảm đạm như những tháng đầu năm.
Thanh Thanh Lan
No comments:
Post a Comment